Theo dõi Báo Hànộimới trên

Anh - Ấn Độ: Làm mới quan hệ cũ

Trung Hiếu| 21/02/2013 07:32

(HNM) - Một chương mới vừa được mở trong quan hệ song phương Anh - Ấn Độ sau chuyến thăm 3 ngày (từ 18 đến 20-2) của Thủ tướng Anh David Cameron tới quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới.


Thành công của Thủ tướng David Cameron trong chuyến công du tới Ấn Độ đầu tiên kể từ năm 2010, sau khi đắc cử Thủ tướng được cho là vượt quá sự kỳ vọng của London. Bởi trước thềm chuyến thăm, quan hệ hai bên đã bị phủ bóng sau phát biểu của Ngoại trưởng Anh David Miliband về vấn đề Kashmir. Theo đó, sau chuyến thăm Ấn Độ (hồi năm 2009), Ngoại trưởng D.Miliband đã gắn tranh chấp Kashmir với vụ khủng bố ở Mumbai (2008) khiến New Delhi tức giận. Thậm chí, đảng đối lập BJP (Ấn Độ) gọi đó là một thảm họa trong quan hệ hai nước. Thêm vào đó, trước chuyến thăm, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã hủy hợp đồng mua 12 máy bay trực thăng AgustaWestland AW101 - một sản phẩm liên doanh Anh - Italia - do những cáo buộc tham nhũng và hối lộ. Phía Ấn Độ đã cử một nhóm nhân viên Cục Điều tra Trung ương (CBI) tới Italia sau khi cảnh sát nước này bắt giữ Giuseppe Orsi - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Finmeccanica - Công ty "mẹ" của Agusta tham gia liên doanh sản xuất trực thăng AW101, với tội danh đưa hối lộ để có được hợp đồng trị giá hàng triệu USD. Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng D.Cameron với mục tiêu tìm kiếm thị trường đầu tư và "mở cửa thương mại" là một trong những chính sách quan trọng bậc nhất của London nhằm tháo gỡ khó khăn kinh tế hiện nay tại xứ Sương mù.

Cuộc gặp giữa Thủ tướng hai nước đã mở ra cơ hội hợp tác mới.


Kỳ vọng về một khởi đầu mới trong quan hệ London - New Delhi của Điện Buckingham đã được đền đáp. Theo đó, tại cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Manmohan Singh, hai bên đã thống nhất được một loạt vấn đề song phương và toàn cầu từ quốc phòng, giáo dục, thương mại, hợp tác năng lượng, dầu mỏ, an ninh mạng cũng như vai trò của Ấn Độ tại Afghanistan và cách thức tăng cường chống khủng bố... Sau hội đàm, Thủ tướng M.Singh đã ra tuyên bố báo chí hoan nghênh chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Anh tới New Delhi và xem đây là nền móng mới cho quan hệ đối tác giữa hai nước. New Delhi đề nghị London tăng cường đầu tư vào Ấn Độ, trong đó có lĩnh vực hạ tầng và năng lượng; đề nghị các quan chức Ấn Độ thăm dò sự tham gia của Anh tại các khu vực đầu tư và chế tạo quốc gia (NMIZ) của Ấn Độ và trong hành lang công nghiệp Mumbai - Bangalore. Thủ tướng M.Singh cũng đề nghị người đồng cấp Anh ủng hộ đề xuất này để sớm hoàn tất tiến trình thương lượng về một hiệp định thương mại và đầu tư công bằng và cân bằng giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Ấn Độ. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng, tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương từ mức 11,5 tỷ bảng (tương đương 17,8 tỷ USD) năm 2010 lên 23 tỷ bảng vào năm 2015. Hai nhà lãnh đạo cũng thẳng thắn trao đổi về cáo buộc tham nhũng trong hợp đồng mua máy bay lên thẳng của Công ty liên doanh Anh - Italia Agusta Westland. Hai bên cũng thông báo việc bắt đầu thương lượng về một hiệp định hạt nhân dân sự song phương cũng như chia sẻ quan điểm về sự chuyển đổi chính trị và an ninh tại Afghanistan; thảo luận về vấn đề Iran và Tây Á; nhất trí đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng…

Những gặt hái trong chuyến thăm đã khẳng định chính sách đối ngoại của London sau một thập kỷ bị chi phối bởi cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq. Cam kết làm mới quan hệ cũ với Ấn Độ - nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai tại Châu Á - cho thấy một lựa chọn ưu tiên của Anh trong cuộc tìm kiếm ảnh hưởng mới tại Châu Á. Không quá khó để nhận ra Ấn Độ từng là thuộc địa của Anh. Thêm vào đó, tiếng Anh như một ngôn ngữ phổ biến ở Ấn Độ cùng hơn 2 triệu người gốc Ấn đang sống ở Anh. Nhiều doanh nghiệp xứ Sương mù coi Ấn Độ là một quốc gia có một nền dân chủ và hệ thống pháp lý dựa trên khuôn mẫu của Anh, dễ hòa đồng về văn hóa hơn so với các nước ở khu vực. Trong quan hệ thương mại, Ấn Độ là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Anh và Anh cũng là nhà đầu tư lớn thứ ba ở Ấn Độ. Do đó, London sẽ dễ dàng hơn để đứng vững tại nơi phát tích của Phật giáo, cạnh tranh không chỉ với Trung Quốc mà cả với người anh em Mỹ.

Hiện tại, mặc dù, London cần phải giải quyết một số rào cản trong quan hệ hai nước như chính sách nhập cư hay viện trợ nước ngoài; thế nhưng, vượt lên tất cả, thành công của chuyến thăm như hai bên thừa nhận đã khẳng định dấu mốc mới như một khởi sắc trong quan hệ Anh - Ấn Độ trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Anh - Ấn Độ: Làm mới quan hệ cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.