(HNM) - Thời điểm này, trên thị trường đã tràn ngập các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết. Đây cũng là dịp để các sản phẩm không bảo đảm chất lượng có cơ hội tuồn ra thị trường...
Lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở trong dịp cao điểm Tết Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Mạnh HÙng |
Dễ mua như... thực phẩm “3 không”
Những ngày này, tại các chợ như Đồng Xuân, Cầu Giấy và các tuyến phố: Hàng Khoai, Hàng Buồm, Hàng Đường, Ngõ Gạch..., việc kinh doanh rất sôi động với hàng trăm mặt hàng phục vụ người dân khi Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần. Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, từ bánh, mứt kẹo, ô mai, hạt dưa, hạt dẻ cười, hạt điều cho đến các loại thịt bò khô, gà khô… được bày bán tràn lan và đều có đặc điểm chung “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng. Mỗi sản phẩm được đóng trong túi ni lông to và không có bất kỳ thông tin gì, ngoài mấy chữ ghi: Mứt bí, mứt dừa, hạt dẻ, ô mai… Nhiều loại ô mai, mứt còn được chủ cửa hàng đổ vào khay, phơi trần, không hề được che đậy.
Tại ki ốt 1A, cổng chính chợ Đồng Xuân, chị Bình - một người bán hàng cho biết, giá một số mặt hàng năm nay có tăng hơn năm ngoái. Cụ thể, hạt dẻ cười có giá từ 320.000 đồng đến 360.000 đồng/kg, mứt các loại từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/kg, bánh kẹo từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng/kg, nho khô từ 80.000 đồng đến 160.000 đồng/kg… Khi được hỏi về nguồn gốc hàng hóa, chị Bình khẳng định, các mặt hàng ở đây nhập từ nhiều nguồn khác nhau và được bán buôn đi khắp nơi, bảo đảm chất lượng. Thậm chí, chị Bình còn cho biết, nhiều khách đến đây mua mỗi loại vài chục cân, sau đó mua vỏ hộp ở phố Hàng Mã về đóng gói (từ 300 gram đến 500 gram/hộp) là có ngay những hộp mứt Tết với đầy đủ bao bì, nhãn mác.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra 3 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức), phát hiện gần 4.000 sản phẩm đóng gói các loại: Ô mai, thịt bò khô, hạt hạnh nhân, mứt hoa quả... không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Riêng kiểm tra tại cơ sở Tuấn Quỳnh, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 2.500 hộp ô mai mang thương hiệu ô mai Phố Cổ. Theo khai nhận của chủ cơ sở, do thấy thương hiệu ô mai Phố Cổ bán chạy, nên đã thu mua hàng trôi nổi về đóng gói và bán ra thị trường, kiếm lời dịp Tết. Còn tại điểm giao giữa đường Võ Nguyên Giáp và đường Võ Chí Công thuộc địa phận quận Tây Hồ, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một xe ô tô vận chuyển gần 2,4 tấn bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Ngoài bánh mứt kẹo, mặt hàng đồ khô như: Măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ… cũng được sử dụng nhiều trong dịp Tết. Thế nhưng, vấn đề chất lượng của những mặt hàng này cũng khiến người tiêu dùng lo lắng. Chủ một quầy bán hàng khô trên phố Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm) khẳng định, tất cả các loại nấm khô bán ở đây đều có xuất xứ từ Trung Quốc, không có hàng Việt Nam. Ngay cả loại nấm được sâu thành từng chuỗi, gắn mác nấm hương rừng Cao Bằng cũng là nấm Trung Quốc.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), người tiêu dùng không nên mua những loại thực phẩm “3 không”, vì không thể biết nhà sản xuất chế biến từ nguyên liệu, phụ gia gì. Khi các chất phụ gia được dùng không đúng cách, quá liều lượng sẽ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Chẳng hạn, bánh kẹo thường được làm từ các loại nguyên liệu tự nhiên, không có chất độc hại như: Gạo, bột, đường, phẩm màu trong danh mục cho phép. Tuy nhiên, để có giá thành rẻ, người sản xuất có thể sử dụng đường hóa học, hương liệu, phẩm màu công nghiệp thay thế. Hay như để bảo quản nấm hương, măng khô không bị mốc, người ta sẽ sử dụng biện pháp xông qua khí lưu huỳnh. Nếu sử dụng măng khô có chứa lưu huỳnh ở nồng độ cao, có thể bị tổn thương về thần kinh, ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, hệ miễn dịch, tim mạch…
Kiểm soát chặt từ gốc
Một sạp hàng bán thực phẩm tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm). |
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, để hạn chế và từng bước đẩy lùi nguy cơ mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Cùng với việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, cần tăng cường thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Về phía người dân, kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ từ gốc, tức là quản lý, giám sát thật chặt hàng hóa tại các cửa khẩu. Bởi lẽ, khi hàng qua cửa khẩu, kiểm soát không kỹ, để lọt hàng không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm vào thị trường trong nước, gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.
Hiện tại, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đang tiến hành kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh các thực phẩm tiêu thụ phổ biến trong dịp Tết. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn vào cuộc một cách đồng bộ, tích cực và có trách nhiệm. Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phải gắn với hậu kiểm tra, nhất là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và phải xử lý nghiêm các vi phạm, dù là nhỏ nhất. Chỉ có như vậy mới tạo nên sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Trong năm 2018, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 673.000 cơ sở, phát hiện 116.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt khoảng 82 tỷ đồng. Riêng tại Hà Nội, toàn thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra 120.072 lượt cơ sở, phạt tiền 8.238 cơ sở với số tiền gần 29 tỷ đồng, tiêu hủy sản phẩm của 250 cơ sở. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.