Theo dõi Báo Hànộimới trên

"An cư" để "lạc nghiệp"

Hà Vũ| 14/06/2022 05:59

(HNM) - Nhà ở là vấn đề nổi bật tại buổi đối thoại trực tiếp và trực tuyến giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân lao động diễn ra tại tỉnh Bắc Giang vào ngày 12-6. Bởi đây vẫn là “nút thắt” chưa được tháo gỡ dù vấn đề này đã được đề cập từ hàng chục năm trước.

Theo Bộ Xây dựng, cả nước đang có 350 khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 2,7 triệu công nhân lao động, chưa kể 730/968 cụm công nghiệp đang hoạt động với trên 580.500 lao động. Đã có 63/64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở công nhân; đã đầu tư được 7,3 triệu mét vuông nhà ở xã hội, trong đó có khoảng 122 dự án nhà ở công nhân với quy mô khoảng 2,5 triệu mét vuông.

Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trong cả nước, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Hiện nay, hàng loạt câu hỏi về triển khai thực hiện chủ trương phát triển nhà ở cho công nhân vẫn chưa có lời giải: Hướng đầu tư chính là gì? Doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp phải có hệ thống nhà ở công nhân hay bản thân doanh nghiệp sử dụng lao động phải lo? Hay những doanh nghiệp bất động sản bắt tay đầu tư? Quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở cho công nhân như thế nào để vừa bảo đảm đồng bộ, vừa phù hợp đặc thù sinh hoạt, làm việc và giá thành phù hợp?... Trong khi ngân sách nhà nước có hạn, phải thiết kế chính sách như thế nào để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở công nhân? Đó là chưa kể, nhà ở cho công nhân vốn đã thiếu, nhưng vẫn còn hiện tượng đối tượng mua nhà không phải công nhân. 

Trước những vấn đề công nhân quan tâm, trong đó có vấn đề nhà ở, trao đổi tại buổi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các ban, bộ, ngành phải thẳng thắn rút kinh nghiệm những gì chưa làm được để làm tốt hơn, đáp ứng với nguyện vọng, mong muốn của công nhân lao động. Các địa phương cần lắng nghe, đối thoại để rút ra những điều tốt thì tiếp tục phát huy, những điều chưa tốt thì nhanh chóng khắc phục, phối hợp với các ban, bộ, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để kịp thời xử lý. Chính phủ đã làm việc với Bộ Xây dựng nhiều lần để bàn về vấn đề này và đề nghị Bộ trả lời về những gì làm được, chưa làm được, định hướng giải pháp thời gian tới.

Như vậy, đến nay trách nhiệm giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, cũng như trả lời câu hỏi khi nào gỡ được “nút thắt” nhà ở công nhân đã rõ địa chỉ. “Nhạc trưởng” - Bộ Xây dựng, trước hết sẽ tham mưu cho Chính phủ các chính sách về nhà ở cho công nhân. 

Bên cạnh đó, theo góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và chính các doanh nghiệp có khả năng đầu tư nhà ở công nhân, để tăng nguồn cung, Nhà nước cần có chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia như: Giảm thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian làm thủ tục; phát triển nhiều tổ chức cho vay từ kinh nghiệm của các nước... Các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở công nhân phải mang tính thực chất, để thu hút các doanh nghiệp tham gia, như: Miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn tín dụng ưu đãi; được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật...

Gỡ “nút thắt” nhà ở cho công nhân phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm hành động mà đích đến là một giải pháp tổng thể về cơ chế, chính sách; sự chủ động vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và các nhà đầu tư... giúp người công nhân "an cư" để "lạc nghiệp".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"An cư" để "lạc nghiệp"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.