Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hầu hết KCN, KCX không đáp ứng được nhà ở cho công nhân

Dạ Khánh| 27/04/2023 18:03

(HNMO) - Nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp đang rất lớn và cấp bách - Đó là một trong những nội dung của tọa đàm “Chỗ ở và nhà ở - Nhu cầu cấp bách của công nhân” do Báo Kinh tế và Đô thị, Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức chiều 27-4.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm.

Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Vũ Minh Tiến cho hay, qua khảo sát, nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) không đáp ứng được nhu cầu  này.

Theo Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Văn Nghĩa, tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ do người dân tự xây dựng, điều kiện sống khá tạm bợ, diện tích phòng trọ chật hẹp (10m2), không có không gian vui chơi, giải trí...

“Khảo sát tại tỉnh Hà Nam, công nhân sinh sống trong những dãy nhà cấp bốn, mùa hè nóng bức, thậm chí càng quạt càng nóng...”, ông Lê Văn Nghĩa nói.

Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn thông tin, Hà Nội có 10 khu công nghiệp, gần 170.000 công nhân. Hầu hết các khu công nghiệp chưa quy hoạch, bố trí chỗ ở cho công nhân. Đến nay, mới có 4 khu công nghiệp có khu nhà ở cho công nhân, tổng công suất thiết kế khoảng 22.450 chỗ ở. Số nhà ở này mới đáp ứng được khoảng 13% nhu cầu.

Hầu như các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy kinh tế để mua nhà ở xã hội. Do vậy, họ phải trông chờ vào việc trợ cấp của nhà nước, doanh nghiệp, nhằm thuê những căn hộ phù hợp khả năng kinh tế, bảo đảm nhu cầu cuộc sống.

Trước nhu cầu nhà ở cho công nhân, đặc biệt là nhu cầu có nơi học tập, vui chơi, giải trí, khám chữa bệnh, ông Lê Văn Nghĩa cho biết, từ năm 2015-2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về đề án thiết chế công đoàn (gồm nhà ở, nhà văn hóa, thể thao, trạm y tế, nhà trẻ, dịch vụ, thương mại...) phục vụ công nhân khu công nghiệp. Chính phủ đã có quyết định giao Tổng Liên đoàn Lao động thực hiện 50 thiết chế công đoàn. Hiện đã có 35 tỉnh, thành giới thiệu địa điểm (quy mô 3-7ha) cho Tổng Liên đoàn Lao động để bố trí xây dựng. Tuy nhiên, còn một số vấn đề về pháp lý cần phải điều chỉnh.

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất quyết tâm, đưa ra các giải pháp, chính sách tháo gỡ để có thể đứng ra làm nhà ở cho công nhân...”, ông Lê Văn Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, với mức lương như hiện nay (trung bình 6 - 9 triệu đồng/người), rất khó có thể mua nhà. Vì vậy, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể cần có biện pháp hỗ trợ, dành 90% quỹ nhà để cho thuê.

Trong khi đó, ông Vũ Minh Tiến cho rằng, bên cạnh hoàn thiện chính sách, cần phải thay đổi cả nhận thức, hành vi của các cấp chính quyền, cán bộ giải quyết thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở, cấp phép, vay vốn... Đặc biệt, cần có sự tham gia của Nhà nước, các tổ chức, người sử dụng lao động trong việc hỗ trợ, phát triển nhà ở cho công nhân.

Về phía Hà Nội, ông Trần Anh Tuấn cho hay, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất đã tham mưu UBND thành phố ban hành quy định, bắt buộc các khu công nghiệp bố trí 2% quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Thành phố ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho xây dựng hạ tầng xã hội bao gồm các công trình phúc lợi công cộng; huy động nguồn vốn đầu tư các dự án nhà ở cho công nhân từ ngân sách thành phố, vốn vay ưu đãi, vốn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, vốn của doanh nghiệp sử dụng lao động...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hầu hết KCN, KCX không đáp ứng được nhà ở cho công nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.