Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải bài toán nhà ở cho công nhân

Hà Phong| 01/05/2023 06:11

(HNM) - Mặc dù có nhu cầu lớn và rất cấp bách, nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn thấp; hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu mét vuông, tương đương khoảng 41,6% mục tiêu theo Chiến lược “Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 30-11-2011. Một câu hỏi đặt ra là, bao giờ cung mới “đuổi kịp” cầu? Để giải bài toán này, một trong những giải pháp mới nhất là Bộ Xây dựng đã đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đứng ra đầu tư thí điểm 5-10 dự án xây dựng nhà ở công nhân.

Thủ đô Hà Nội đã và đang nghiên cứu các giải pháp phát triển nhà ở dành cho người lao động tại các khu công nghiệp. Trong ảnh: Khu nhà ở công nhân thuộc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Người lao động khó tích lũy mua nhà

Cả nước hiện có gần 18 triệu công nhân, lao động nhưng mới có khoảng 20% trong số này có nhà ở ổn định. Đây là số liệu được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra, dẫn chứng cho nhu cầu bức thiết về nhà ở của công nhân, lao động. Chiến lược “Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” phấn đấu đáp ứng nhu cầu được giải quyết chỗ ở cho khoảng 70% công nhân, lao động tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề “an cư lạc nghiệp” để giữ chân người lao động gắn bó với công việc lâu dài vẫn đang là bài toán nan giải.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp với gần 170.000 công nhân. Nhưng đến nay, mới có 4 khu công nghiệp có khu nhà ở cho công nhân, tổng công suất thiết kế khoảng 22.450 chỗ ở, chỉ đáp ứng được khoảng 13% nhu cầu. “Ở nhà trọ chật chội, bất tiện nên một căn nhà riêng cho gia đình, dù nhỏ thôi cũng là mong muốn lâu nay của vợ chồng tôi. Tuy nhiên, với mức lương hiện tại, 8 năm, thậm chí là 10 năm nữa thắt chặt chi tiêu, vợ chồng tôi chưa chắc có đủ tiền để mua nhà. Bởi vậy, tôi mong muốn thành phố có gói hỗ trợ người lao động mua nhà giá rẻ, nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp, gắn bó lâu dài với công việc”, chị Lê Thị Thủy, công nhân Khu công nghiệp Quang Minh (thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh) chia sẻ.

Tương tự, tại các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, sau dịch bệnh, nhiều công ty gặp khó khăn, sản xuất cầm chừng, việc làm và thu nhập của người lao động giảm, lại không có nhà ở, khiến không ít người lao động lựa chọn về quê, bỏ lại sau lưng giấc mơ lập nghiệp ở thành phố. Tình trạng này dẫn đến hệ lụy là đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, doanh nghiệp thiếu hụt nhân công, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế nói chung.

Khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh).

Chung tay thúc đẩy thị trường nhà ở công nhân

Trước nhu cầu cấp thiết về nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đứng ra đầu tư thí điểm 5-10 dự án xây dựng nhà ở tại các khu công nghiệp để cho công nhân thuê.

Là địa phương có lao động làm việc tại các khu công nghiệp tăng cao trong những tháng đầu năm 2023, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Bắc Giang Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, việc Tổng Liên đoàn Lao động tham gia xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp. Điều này không những góp phần giữ chân người lao động, mà còn nâng cao tính ổn định, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trao đổi về đề xuất thí điểm nêu trên, luật gia Lê Quang Vững cho rằng, chủ trương này phù hợp với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, về góc độ chính sách, không nên bó hẹp “phải là đoàn viên công đoàn tại các khu công nghiệp mới được thuê nhà” để tránh bỏ sót những công nhân vì một lý do nào đó chưa gia nhập tổ chức công đoàn lại không được quan tâm, hỗ trợ. Nếu làm được việc này sẽ mở rộng đối tượng chăm lo; thu hút ngày càng đông người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.

Trong khi chờ tổ chức đại diện cho người lao động cùng nhập cuộc giải bài toán thiếu nhà ở công nhân, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được Chính phủ chỉ đạo triển khai được kỳ vọng sẽ giải bài toán “vốn mồi”. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Mức lãi suất được xác định là 8,7%/năm với chủ đầu tư và 8,2%/năm với người mua nhà, áp dụng đến hết ngày 30-6-2023. Tức là thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay thông thường của bốn ngân hàng thương mại nhà nước.

“Đây là dự án dài hạn nên Ngân hàng Nhà nước cũng xác định thời gian giải ngân rất dài, từ ngày 1-4-2023 đến 31-12-2023. Nếu các ngân hàng khác muốn tham gia, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cho phép với điều kiện các ngân hàng đó tuân thủ hướng dẫn, bảo đảm tối đa quyền lợi người lao động”, ông Phạm Thanh Hà nói.

Thông tin thêm về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chia sẻ: “Ngoài lãi suất ưu đãi, khi triển khai dự án, Nhà nước miễn tiền thuê đất và có nhiều chính sách khác để mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ sớm được thực hiện trong thời gian tới”. Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2023 vừa qua, nhiều tỉnh, thành cũng đã công bố dự án nhà ở cho công nhân. Việc này thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công nhân, đồng thời góp phần chung tay thúc đẩy thị trường nhà ở công nhân tăng tốc phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán nhà ở cho công nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.