Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung bảo đảm việc làm, nhà ở cho công nhân

Hà Phong - Ảnh: Nguyễn Hải| 01/02/2023 13:24

(HNMO) - Ngày 1-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã chủ trì hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì hội nghị.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Dân vận Trung ương; các bộ, ban, ngành Trung ương; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2022, trọng tâm phối hợp công tác năm 2023, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội đất nước hồi phục và có bước phát triển mạnh ở các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các nghị quyết của Quốc hội, tiếp tục phối hợp chặt chẽ.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, yêu cầu thực tiễn.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang báo cáo tại hội nghị.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn trong xây dựng, hoàn thiện và tuyên truyền chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách liên quan đến người lao động; cải thiện điều kiện làm việc và phòng ngừa tai nạn lao động; đề xuất, kiến nghị và giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, nhà ở; đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi, giải trí của công nhân, lao động...

Việc phối hợp thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được các bộ, ngành, cơ quan cơ bản thực hiện kịp thời, hiệu quả, trách nhiệm. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức giám sát về tình hình thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện cho người lao động tại doanh nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và các chính sách hỗ trợ liên quan khác; từ đó kiến nghị nhiều chính sách quan trọng.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã phối hợp tuyên truyền, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; tập trung nắm chắc và theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh trong công nhân, viên chức, lao động. Tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; bảo đảm chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể; báo cáo cấp ủy, phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người lao động; thực hiện các biện pháp ổn định quan hệ lao động, phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh tranh chấp lao động và bỏ việc làm; giải quyết thỏa đáng, có hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, các yêu cầu phát sinh, không để tranh chấp kéo dài gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương...

Quang cảnh hội nghị.

Năm 2023, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn, như: Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Nhà ở, Luật Đất đai; nghị định liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh...; thống nhất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân. Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, chính sách đối với người lao động; về bảo hiểm xã hội; an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ tại cơ sở. 

Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn khởi xướng, trong đó, tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”; tiếp tục vận động đoàn viên, người lao động tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, tích cực đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phát động các phong trào thi đua, tổ chức thi đua trên các công trình trọng điểm, gắn biển các công trình, phần việc, sản phẩm chào mừng đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Trong chương trình hội nghị, tổ chức công đoàn cũng đưa ra một số kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trước mắt, trong khi chưa sửa đổi các luật có liên quan, đề nghị Chính phủ giao Tổng Liên đoàn và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để giải quyết kịp thời các bức xúc hiện nay do các vướng mắc liên quan đến chồng chéo, khoảng trống của pháp luật.

Chính phủ xem xét, lồng ghép phần xây dựng nhà ở tại Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” vào Đề án xây dựng một triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp do Bộ Xây dựng chủ trì để bảo đảm quyền lợi cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Phạm Quang Thanh phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Về đời sống ngư dân, đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam, trong những năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu biến động, nguồn lợi thủy sản suy giảm…, ngư dân đi khai thác thu lãi thấp, nhiều tàu không có lãi, nên không có khả năng trả nợ đúng hạn hoặc bị nợ xấu, gây khó khăn và ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá. Vì vậy, để tháo gỡ một phần khó khăn trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có giải pháp hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ và thời gian trả nợ để hỗ trợ cho ngư dân, đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá tiếp tục sản xuất, yên tâm vươn khơi bám biển. 

Trước tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động khi có tới hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Ở cấp cơ sở, bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh nêu kiến nghị cần có quy định nếu doanh nghiệp không bố trí được nhà ở cho công nhân thì phải hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà, tối thiểu 500.000 đồng/tháng/người và được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp; đề nghị giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 hoặc 40 giờ mỗi tuần, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, doanh nghiệp có tồn tại thì đời sống người lao động mới ổn định, vì vậy, kiến nghị Thủ tướng có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là về thuế. Bên cạnh đó, về vấn đề thời gian làm việc, cần nghiên cứu theo hướng bền vững hơn để người lao động, nhất là lao động nữ, có thêm thời gian tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Cùng với đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo thêm đối với vấn đề nhà ở xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, nhân dân nói chung và công nhân, lao động nói riêng đã được đón Tết Nguyên đán 2023 đầm ấm, sum vầy, đoàn kết, an toàn, hiệu quả. “Đây là sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước, người dân, trong đó có đóng góp lớn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của người lao động”, Thủ tướng đánh giá. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Theo người đứng đầu Chính phủ, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất quan trọng, giúp hoạt động công đoàn ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động.

Thủ tướng đề nghị, quá trình triển khai công tác phối hợp năm 2023 giữa Chính phủ và tổ chức công đoàn, cần chọn một số việc khó, trọng tâm, thiết thực như nhà ở cho công nhân, mở rộng thị trường lao động, bảo đảm việc làm, nâng cao tay nghề của người lao động. Bên cạnh đời sống vật chất, cần quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động, ưu tiên giải quyết bằng các công cụ pháp luật đã có. Nếu chưa có, Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu giải quyết đồng bộ, bài bản, hiệu quả, trên cơ sở tình hình thực tế.

Đề cập cụ thể về thị trường lao động, vấn đề nhà ở, đất đai, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường lao động, kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập; từng bước tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế và thông lệ các nước, bảo đảm cho thị trường lao động vận hành an toàn, ổn định, đồng bộ, hiệu quả.

Trong đó, Bộ Xây dựng chủ trì, nghiên cứu, sửa đổi các văn bản liên quan đến vấn đề an cư trên cơ sở tiếp thu góp ý của tổ chức công đoàn, người lao động. Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn lực đầu tư công trung hạn cho các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bắt tay ngay vào việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao về phục hồi thị trường lao động trong các khu công nghiệp và khu chế xuất. Ngân hàng Nhà nước triển khai chính sách tín dụng cho người lao động nghèo thông qua cơ chế cấp bù lãi suất...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, công tác phối hợp trong thời gian tới giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của các cấp công đoàn, đoàn viên, công nhân, lao động; góp phần thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả nhất. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung bảo đảm việc làm, nhà ở cho công nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.