Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai đứng sau vụ khủng bố ở Tunisia?

Vân An| 19/03/2015 07:26

(HNMO) – Viện bảo tàng Bardo ở thủ đô Tunis của Tunisia, nơi vừa hứng chịu cuộc tấn công khủng bố làm ít nhất 19 người thiệt mạng, nằm trong một cung điện thế kỷ 19 và được coi là một viên ngọc quý của di sản Tunisia.


Hãng tin CNN cho biết, viện bảo tàng Bardo là nơi trưng bày các tác phẩm giới thiệu nghệ thuật, văn hóa và lịch sử Tunisia và rất nổi tiếng với bộ sưu tập khảm, trong đó có tác phẩm của nhà thơ Virgil, cũng như các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch, đồ nội thất, đồ trang sức và nhiều tác phẩm khác.

Hiện chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Nhưng vụ tấn công xảy ra chỉ vài ngày sau khi một kẻ thánh chiến người Tunisia đăng lên trang mạng xã hội rằng, lời thề trung thành với lãnh tụ IS Abu Bakr al-Baghdadi sẽ sớm được thực hiện.

Trong thông điệp của mình, kẻ thánh chiến đã tuyên bố mình là thành viên nhóm Jund al-Khilafah ở Tunisia, một nhóm đã cam kết trung thành với IS hồi tháng 12. Thông tin của người này được đưa lên mạng sau khi một tay súng IS chiến đấu ở Raqqa, Syria, gần đây đã xuất hiện trong một đoạn video và chất vấn các chiến binh thánh chiến ở Tunisia tại sao không cam kết trung thành.

Nhà phân tích khủng bố Paul Cruickshank cho rằng, điều này đã làm dấy lên khả năng rằng, vụ tấn công vào viện bảo tàng có thể là “lễ ra mắt” của các chiến binh Tunisia với IS.



Tunisia là nơi đã khởi đầu cho phong trào Mùa xuân Ả Rập, bắt nguồn từ một sự kiện xảy ra vào tháng 12/2010, khi một nam thanh niên nghèo 26 tuổi tự thiêu trước một tòa nhà chính phủ Tunisia sau khi bị cảnh sát tịch thu hàng rau, làm dấy lên các cuộc biểu tình. Các cuộc biểu tình này sau đó đã lan ra khắp Trung Đông và Bắc Phi, tạo thành những cuộc cách mạng lật đổ chính phủ ở một số nước.

Mặc dù là nước ôn hòa hơn các nước khác trong khu vực, Tunisia vẫn không thể đứng ngoài vòng xoáy bạo lực và bất ổn chính trị.

Chính phủ Tunisia hiện đang phải chiến đấu chống lại sự hiện diện của các chiến binh thánh chiến ở dãy núi Chaambi. Đã có một số vụ ám sát chính trị xảy ra.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn nghiêng về quan điểm cho rằng, cuộc tấn công ngày hôm qua (18/3) được thực hiện bởi những người muốn kích động khủng bố hay thiết lập đế chế Hồi giáo như mục đích của IS hơn là vì động cơ chính trị trong nội bộ Tunisia.

Tháng 2 vừa rồi, Bộ Nội vụ Tunisia tuyên bố đã bắt giữ khoảng 100 phần tử cực đoan và công bố một đoạn video cho thấy nhóm này đã sở hữu một công thức chế tạo chất nổ cùng một bức ảnh của nhà lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi.

Khoảng 3.000 người Tunisia được cho là đã đến Iraq và Syria để chiến đấu, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ai đứng sau vụ khủng bố ở Tunisia?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.