Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai cập trong vòng xoáy mới

Trung Hiếu| 23/04/2013 07:15

(HNM) - Đó là các cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái đã và đang diễn tiến với những cung bậc nguy hiểm.


Mặc dù ngày 20-4, sau nhiều tháng chịu áp lực từ các phe nhóm đối lập yêu cầu phải sắp xếp lại chính phủ để đổi lấy sự ủng hộ cuộc bầu cử Quốc hội trong thời gian tới, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã tái khẳng định sẽ sớm cải tổ nội các và nhấn mạnh, lợi ích chung của nhân dân Ai Cập sẽ là tiêu chuẩn cơ bản cho cuộc cải tổ này. Thế nhưng dư luận cho rằng khó gỡ bỏ những bất đồng bấy lâu trên chính trường Ai Cập.

Bạo lực, xung đột đang ngày một lan rộng ở thủ đô Cairo.



Trong một diễn biến mới nhất, ngày 21-4, sau ba lần trì hoãn, Tòa án Hành chính tối cao Ai Cập (SAC) đã bác đơn kháng cáo của chính phủ với quyết định của tòa hủy cuộc bầu cử quốc hội sắp tới. Trước đó, hồi đầu tháng 3-2013, Tòa án Hành chính Cairo đã ra phán quyết hủy cuộc bầu cử (dự kiến bắt đầu ngày 22-4); đồng thời, chuyển luật bầu cử mới lên Tòa án Hiến pháp tối cao (HCC) xem xét lại với lý do Thượng viện do phe Hồi giáo chi phối đã không tuân theo các trình tự Hiến pháp về bầu cử. Cũng trong ngày 21-4, Bộ trưởng Tư pháp Ai Cập Ahmed Mekki đã chính thức đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Hesham Qandi. Động thái này diễn ra sau khi phe Hồi giáo tổ chức biểu tình rầm rộ trước trụ sở Tòa án tối cao đòi "làm trong sạch các cơ quan tư pháp"; đồng thời, báo chí tiết lộ ông A.Mekki sẽ bị thay thế trong cuộc cải tổ nội các sắp tới.

Trong khi đó, Hội đồng Shoura (Thượng viện Ai Cập), do phe Hồi giáo chiếm đa số, đang thúc đẩy một điều luật mới nhằm kiểm soát các cơ quan tư pháp; trong đó, có việc rút tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán từ 70 tuổi xuống còn 60 tuổi. Trước đó, các nghị sĩ thuộc FJP và đảng Wasat, lực lượng lớn thứ ba trong Thượng viện, liên tục công kích, cáo buộc các thẩm phán tham nhũng và dẫn đầu làn sóng chống Tổng thống M.Morsi. Sự chỉ trích của phe Hồi giáo nhằm vào các thẩm phán ngày càng tăng, nhất là sau khi tòa án ra các phán quyết tạm thời phóng thích cựu Tổng thống Hosni Mubarak liên quan các cáo buộc sát hại người biểu tình và làm giàu bất chính...

Những diễn biến bất thường đang diễn ra trên chính trường Ai Cập đang ngày càng làm lộ rõ "tảng băng chìm" mâu thuẫn lâu nay tại quốc gia Bắc Phi. Bởi khi ông M.Morsi trở thành Tổng thống mới của Ai Cập như một bước ngoặt của xứ Kim Tự tháp đã cho phép tổ chức Anh em Hồi giáo trở lại nắm quyền sau 84 năm kể từ khi tổ chức này ra đời. Cuộc trở lại này đã khơi mào cho cuộc đua tranh quyền lực giữa Tổ chức Anh em Hồi giáo mà ông M.Morsi là đại diện với bên kia là giới quân sự từ lâu nắm quyền điều hành đất nước. Thêm vào đó, kể từ khi nắm quyền, ông M.Morsi liên tục trao cho Tổ chức Anh em Hồi giáo nhiều ưu ái đã châm ngòi cho các hoạt động phản đối bùng nổ. Trong đó, sự kiện ngày 19-4 tại thủ đô Cairo chỉ là một ví dụ. Xung đột bạo lực đã khiến gần 100 người bị thương. Vụ việc diễn ra ngay sau lễ cầu nguyện buổi trưa khi hàng nghìn người biểu tình ủng hộ phe Hồi giáo kéo đến trước cửa Tòa án tối cao tại trung tâm Cairo đòi "làm trong sạch các cơ quan tư pháp", sửa đổi luật về các cơ quan tư pháp, thu hồi các tài sản của nhà nước bị đánh cắp và xét xử những người tham gia sát hại người biểu tình trong làn sóng chính biến ngày 25-1-2011... Trong khi đó, hàng trăm người biểu tình đối lập cũng tổ chức xuống đường tại quảng trường Tahir phản đối Tổ chức Anh em Hồi giáo, đòi lật đổ chính quyền Hồi giáo, cách chức Tổng công tố, Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ, tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn và bổ nhiệm nội các mới... Và đụng độ đã nổ ra giữa hai phe biểu tình; đồng thời lan đến một số tỉnh, thành phố khác, trong đó có Alexandria, thành phố lớn thứ hai Ai Cập và các tỉnh Sharqiya, Daqahliya...

Biểu tình dẫn tới bạo lực diễn ra chỉ vài ngày sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đồng ý cho Ai Cập tiếp nhận khoản vay trị giá 4,8 tỷ USD để khôi phục nền kinh tế đang gần như tiêu điều sau "cách mạng" lật đổ Tổng thống H.Mubarak. Tuy nhiên, khoản vay của IMF cũng đi kèm những điều kiện cải cách chính trị đáng kể, trong khi chính phủ của ông M.Morsi vẫn chưa đạt được sự thống nhất trong việc tiếp nhận gói tài chính này. Khó khăn chồng chất và dư luận cho rằng, chính quyền Cairo chưa thể giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ai cập trong vòng xoáy mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.