(HNM) - Sau hai ngày (9 và 10-10) họp tại Brussels (Bỉ), bộ trưởng quốc phòng của 28 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về khuôn khổ chung cho sứ mệnh huấn luyện mới của liên minh quân sự này tại Afghanistan sau năm 2014, thời điểm kết thúc sứ mệnh tham chiến của NATO tại đây.
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen còn tái khẳng định các cuộc tấn công trong nước ở Afghanistan sẽ không làm hỏng chiến lược của NATO và tiến trình chuyển giao trong thời gian tới. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đề cử tướng John Allen tiếp quản vai trò Tư lệnh Tối cao các lực lượng NATO và Phó Tư lệnh lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ hiện nay Joseph Dunford trở thành người đứng đầu các lực lượng liên minh NATO tại Afghanistan. Việc bổ nhiệm ông J.Allen, người từng giữ vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống các phần tử nổi dậy ở Iraq giai đoạn 2006-2008, cho thấy Washington muốn khẳng định sẽ không bỏ rơi chiến trường khốc liệt này.
Từ sau năm 2014 sẽ không còn sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài ở Afghanistan. |
Sự đồng thuận của NATO làm dấy lên hy vọng về tương lai tươi sáng với Afghanistan nhưng thực tế diễn ra không như kế hoạch được NATO phác thảo để giải quyết những ngổn ngang vẫn còn đó tại quốc gia Nam Á này. Không phải ngẫu nhiên, ngày 8-10, nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) công bố bản báo cáo "Afghanistan: Chặng đường dài gian nan tới thời kỳ chuyển tiếp 2014" đã đưa ra nhận định rằng, Chính phủ Kabul có nguy cơ sụp đổ sau khi NATO rút quân vào năm 2014. Trước đó, ngày 7-10, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Carnegie cũng cảnh báo rằng, Taliban sẽ trở lại nắm quyền tại Afghanistan sau năm 2014.
Mặc dù, có sự hiện diện đông đảo của quân đội Mỹ cùng lực lượng NATO nhưng gần đây, các vụ đánh bom, tấn công khủng bố do tàn quân Taliban và các phần tử khủng bố Al-Qaeda tiến hành đang tăng dần cả về số lượng lẫn quy mô, gây thiệt hại đáng kể cho người dân ở quốc gia này. Mới đây, ngày 8-10, ít nhất 2 người, đều là sĩ quan tình báo Afghanistan, bị thiệt mạng và 7 người khác bị thương trong một vụ đánh bom xe ở tỉnh Helmand Fareed Ahmed, miền Nam. Trước đó, một vụ đánh bom liều chết nhằm vào đoàn tuần tra chung của NATO và Afghanistan ở thành phố Khost miền Đông Afghanistan làm ít nhất 13 người (trong đó có 3 lính NATO, 4 lính Afghanistan, 6 dân thường) thiệt mạng và 40 người bị thương. Các vụ đánh bom đã nâng tổng số lính Mỹ thiệt mạng ở chiến trường khốc liệt này, kể từ khi cuộc chiến bùng nổ (ngày 7-10-2001), vượt qua con số 2.000. Còn lực lượng liên quân, số binh sĩ thuộc liên quân phải bỏ mạng cũng lên tới 1.190 người.
Một cuộc chiến qua đi sẽ có nhiều điều để nói. Với người dân Afghanistan, hiện giờ họ chỉ mong nhận được sự yên bình trong cuộc sống, nhưng làn sóng bạo lực, đánh bom liều chết luôn rình rập. Viễn cảnh mà Mỹ và đồng minh khi tiến quân chinh phạt Taliban và Al-Qaeda ở quốc gia này để xây dựng một nền dân chủ thật sự vẫn còn ở đâu đó mà người Afghanistan chưa thể nắm bắt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.