(HNMO) – Sáng 10-4 tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố báo cáo “Triển vọng Phát triển Châu Á 2017”, trong đó ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và sau đó tăng trưởng mạnh hơn lên mức 6,7% năm 2018.
Theo chuyên gia kinh tế Aaron Batten của ADB, dù khởi động năm 2016 khá chậm chạp nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt trong khu vực Châu Á. Năm 2016, ngành nông nghiệp tăng trưởng yếu do phải hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng ở ĐBSCL, nhưng tính chung cả năm, nền kinh tế vẫn ghi nhận sự khởi sắc khi ngành sản xuất tăng trưởng 11,9%, ngành ngân hàng tài chính tăng 7,8%, lượng khách du lịch tăng 26%...
ADB dự báo, trong 2 năm tới, bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ ghi nhận nhiều điểm sáng: Cán cân thanh toán được cải thiện, thương mại hàng hóa tăng trưởng mạnh, nguồn kiều hối từ nước ngoài tiếp tục tăng cao, đồng nội tệ được giữ ổn định giúp nền kinh tế chống chịu tốt hơn trước các cú sốc bên ngoài.
Về giá cả, tỷ lệ lạm phát trong giai đoạn 2017-2018 sẽ tiếp tục tăng, dự báo đạt tốc độ tăng trưởng CPI 4% năm 2017 và 5% năm 2018. Giá cả hàng hóa toàn cầu cũng được dự báo tăng trong giai đoạn 2017-2018 nhưng sẽ không gây ra cú sốc nào đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định, trong giai đoạn 2017-2018, động lực chính cho sự phát triển kinh tế Việt Nam là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước và sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và khai mỏ. Trong năm 2018, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội mới về kinh doanh và thương mại và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này.
Từ trái qua: Ông Aaron Batten - Chuyên gia kinh tế của ADB; Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam. |
Về FDI, năm 2016, vốn FDI giải ngân đạt mức cao và được dự báo tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2017-2018. Trong Quý I năm nay, vốn giải ngân FDI đạt 3,6 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó vốn FDI đổ vào ngành xây dựng tiếp tục tăng mạnh.
Về hoạt động sản xuất và xuất khẩu, theo ADB, Việt Nam hiện nay đã trở thành trung tâm sản xuất, chế tạo của khu vực ASEAN, có hoạt động vượt trội hơn so với các nước láng giềng trong khu vực. Trong khi hầu hết các nước ASEAN có mức xuất khẩu giảm trong năm 2015-2016, xuất khẩu ở Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 8,3%/năm.
Về tiêu dùng, chi tiêu tiêu dùng trong nước được dự báo tăng mạnh. Số liệu thống kê cho thấy doanh số bán buôn và bán lẻ đã tăng trung bình 8,9%/năm trong vòng 5 năm qua. Thương mại bán buôn và bán lẻ hiện đứng thứ 2 trong nhóm các hoạt động kinh tế đóng góp vào GDP, đạt mức tăng trưởng trung bình 0,8%/năm kể từ năm 2011, trở thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
ADB đánh giá, tuy đạt mức tăng trưởng GDP ổn định nhưng tốc độ này vẫn còn dưới mức cần thiết để Việt Nam đạt được vị thế nước có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Trong các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp vẫn là một nhân tố chính làm kinh tế tăng trưởng chậm lại, năng suất nông nghiệp vẫn còn thấp: “Nông nghiệp đã luôn là một động lực quan trọng của tăng trưởng, giảm nghèo, an ninh lương thực và xuất khẩu kể từ khi Chính phủ bắt đầu cải cách lĩnh vực này vào cuối thập niên 1980. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng và năng suất lao động trong nước thấp, tăng trưởng của khu vực này đã chậm lại, chỉ khoảng 2%/năm kể từ năm 2011”, ông Sidgwick nhấn mạnh.
Theo khuyến nghị của ADB, để đạt được vị thế nước có mức thu nhập trung bình cao một cách nhanh chóng, Việt Nam cần phải gia tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp, cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, gia tăng bảo vệ môi trường, đồng thời cân nhắc lồng ghép tốt hơn các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu vào quá trình xây dựng chính sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.