Chiều 12-10, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và một số nội dung được dư luận quan tâm.
Liên quan vấn đề ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh) Mai Thanh Tùng cho biết, ngày 12-6-2023, Sở Xây dựng có Công văn số 8288/SXD-PTN&TTBĐS gửi UBND thành phố về các chủ đầu tư dự án đợt 1 đăng ký vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ, theo đó có 6 dự án đủ điều kiện vay vốn.
Ngày 3-7-2023, UBND thành phố đã công bố công khai đợt 1 trên Cổng thông tin điện tử của thành phố danh mục 6 dự án để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Theo đó, trong đợt này có 6 dự án đủ điều kiện vay vốn với tổng mức dự kiến vay 2.776 tỷ đồng (gồm 3 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với tổng mức dự kiến vay 910 tỷ đồng, 1 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân thuê với tổng mức dự kiến vay 700 tỷ đồng và 2 chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với tổng mức dự kiến vay 1.166 tỷ đồng).
Song song đó, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Các đối tượng được ưu tiên vay vốn, gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp và đối tượng liên quan; cán bộ, công chức, viên chức.
Mức cho vay tối đa 70% so với dự toán xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà và không vượt quá 500 triệu đồng. Lãi suất do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ. Riêng năm 2022, được hưởng ưu đãi là 0,4%/tháng và 4,8%/năm. Thời gian vay tối đa đến 25 năm kể từ thời gian giải ngân khoản vay đầu tiên.
Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai Chương trình vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở cho người có thu nhập thấp, hưởng lương từ ngân sách. Theo đó, được vay tối đa 70% giá trị căn hộ, nhưng không vượt quá 900 triệu đồng/hồ sơ với lãi suất 4,7%/năm, thời gian vay tối đa là 20 năm. Trường hợp đối tượng trên có nhu cầu vay thì liên hệ với Quỹ Phát triển nhà ở thành phố để được hướng dẫn cụ thể.
Ông Mai Thanh Tùng cũng cho biết, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành và các cơ quan liên quan rà soát, ban hành quy trình, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch các dự án nhà ở, dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật. Đồng thời, công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; công bố công khai danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.
Cũng theo ông Mai Thanh Tùng, điểm vượt trội của chính sách là các chủ đầu tư nhà ở xã hội khi triển khai thực hiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 đến 2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường. Đối với người mua nhà ở xã hội, có nhiều sự lựa chọn để vay ưu đãi, ngoài gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ, có thể lựa chọn vay ưu đãi theo chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và Quỹ Phát triển nhà ở thành phố Hồ Chí Minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.