Xây dựng

Nên hay không nên giao Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư dự án nhà ở xã hội?

Mai Hữu 25/08/2023 - 18:12

Đưa ra quan điểm về nguồn lực, nhân lực còn hạn chế, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa nên giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

ubtvqh9.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp.

Xem xét cho thực hiện thí điểm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội

Báo cáo tại phiên họp chiều nay, 25-8, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bổ sung 1 mục quy định cụ thể về việc di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; cưỡng chế di dời và phá dỡ nhà chung cư và tại các điều khoản cụ thể khác quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Đối với các chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994) thì tiếp tục kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành về việc áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ; đối với các chung cư mới xây dựng sau năm 1994 mà sau này thuộc diện được xây dựng lại do vẫn phù hợp với quy hoạch thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư, nếu không đóng góp thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở còn lại (nếu có) theo quy định của Chính phủ.

Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, đang có ý kiến trái chiều. Ý kiến không tán thành cho rằng, đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong luật. Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong luật.

ubtvqh12.jpg
Quang cảnh phiên họp.

Đối với quy định dành đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất phương án kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành; tiếp tục quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, song linh hoạt về phương thức thực hiện. Theo đó, chủ đầu tư có thể dành quỹ đất trong dự án hoặc quỹ đất ở vị trí khác, hay đóng góp bằng tiền với mức tương đương giá trị quỹ đất, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong từng giai đoạn.

Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật vì giúp giải quyết được nhiều vướng mắc trong trình tự, thủ tục đầu tư, tạo sự thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, cần bổ sung các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, giao Chính phủ quy định quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; sửa đổi Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội trong hàng rào khu công nghiệp.

Lo ngại về nguồn lực, nhân lực

Góp ý về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức chính trị - xã hội, nên hay không nên làm chức năng hành chính. “Tôi nghĩ tổ chức chính trị xã hội không nên “ôm” cái này vào”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

ubtvqh10.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu.

Lý giải quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lo ngại Tổng Liên đoàn Lao động không có lực lượng đủ mạnh để đảm nhiệm vài trò chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Theo ông Phương, Tổng Liên đoàn Lao động nên làm đúng chức năng của của tổ chức chính trị xã hội (giám sát, phản biện, xã hội, tham mưu về chính sách).

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động cũng không có nguồn lực tài chính, nhân sự. “Phải tính kỹ vấn đề này bởi nếu làm mà không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ có thể bị xử lý vi phạm”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc việc Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội. Theo bà, ngay việc cho thuê như đề xuất của Tổng Liên đoàn cũng cần có đánh giá tác động toàn diện.

ubtvqh11.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận.

Về vấn đề nhà ở xã hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chính sách nhà ở xã hội không có nghĩa phải hướng đến xây nhà để bán; mà cho thuê, thuê mua là một phương thức rất phổ biến trong vấn đề về nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại.

Trong dự thảo Luật quy định UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm quy hoạch, bố trí diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật liên quan, do đó, cần quy định nghĩa vụ về nhà ở xã hội của các chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu và kế thừa những quy định đã có, đã được thực hiện ổn định, song cần có sự linh hoạt cho địa phương, đơn vị trong thực hiện chính sách.

Về xây nhà lưu trú của công nhân trong khu công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng cần có. “Trên thực tế cũng đang tồn tại nhà ký túc xá của công nhân ở trong khu công nghiệp và đây là nhu cầu rất thiết thực của người lao động ở các khu công nghiệp”, bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ nhằm tiếp thu, rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật, xin ý kiến hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ sáu.

Phát biểu bế mạc phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan liên quan tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng các nội dung trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra từ ngày 28-8 đến 30-8 và kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên hay không nên giao Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư dự án nhà ở xã hội?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.