Việc thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan đã tạo nên thế và lực phát triển mới không chỉ cho Thủ đô Hà Nội mà cả vùng Thủ đô.
Nhìn lại chặng đường 15 năm đã qua, Hà Nội - thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới đã đạt được thành tựu, sự thay đổi tích cực, đặc biệt là tại khu vực nông thôn. Mọi nẻo làng quê từng ngày “thay da, đổi thịt”, giàu đẹp, văn minh...
Ưu tiên nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn
Mở rộng địa giới hành chính là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn với Thủ đô. Sau ngày mở rộng, Hà Nội trở thành thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới. Hà Nội cũng có khu vực nông thôn lớn nhất nhì cả nước, trong đó có cả những xã thuộc vùng dân tộc, miền núi... Điều đó đặt ra không ít thách thức cho Hà Nội trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
15 năm qua, Hà Nội đã huy động hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư cho việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các công trình hạ tầng, làm đổi thay nhanh chóng diện mạo nông thôn. Chỉ tính riêng chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã huy động được hơn 46 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều huyện, thị xã ngoài việc bố trí vốn ngân sách còn đa dạng hóa hình thức xã hội hóa, khai thác được lợi thế của từng địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư.
Trước đây, Hà Nội không có đồng bào dân tộc thiểu số sống quần cư thành làng. Sau mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô có 119 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) có đồng bào dân tộc thiểu số sống quần cư, đông nhất là người Mường và người Dao. Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết: Những năm qua, các chính sách đúng đắn, kịp thời cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào đã tạo nên bước chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo ở vùng dân tộc, miền núi của thành phố.
Cụ thể, trong các giai đoạn Hà Nội đều ban hành chính sách hỗ trợ riêng cho khu vực dân tộc, miền núi. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, thành phố đã đầu tư 1.276,5 tỷ đồng cho 202 công trình. Ngoài ra, thành phố kêu gọi các quận nội thành đăng ký hỗ trợ đầu tư 46 công trình nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí hỗ trợ đầu tư 92 tỷ đồng; 5 dự án nâng cấp điện với tổng kinh phí 101 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội tiếp tục bố trí 1.255 tỷ đồng để thực hiện 89 dự án đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số. Đó là chưa kể các huyện cũng bố trí kinh phí hỗ trợ riêng... Nhờ vậy, đến năm 2018, Hà Nội đã không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến hết năm 2022, khu vực nông thôn Hà Nội chỉ còn 0,17% hộ nghèo; đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5%; 85% hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch...
Bứt phá vươn lên
Tách ra từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), năm 2008, xã Yên Trung nhập vào huyện Thạch Thất (thành phố Hà Nội), Chủ tịch UBND xã Yên Trung Đinh Công Long cho biết: Trước khi về Thủ đô, Yên Trung vẫn còn thôn Hương chưa có điện lưới, giao thông các ngõ xóm chủ yếu là đường đất. Với sự quan tâm đầu tư của Thành phố và huyện Thạch Thất cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, năm 2018, Yên Trung hoàn thành xây dựng nông thôn mới, hạ tầng khang trang. Phát huy lợi thế địa hình đồi, núi thoáng, rộng, nhiều hộ dân ở Yên Trung đã thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà; mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Xã có khoảng 1.000 người có việc làm ổn định tại Khu công nghiệp Quang Tiến (tỉnh Hòa Bình), Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất); khoảng 50 lao động nữ làm công nhân vệ sinh môi trường ở nội thành, được ô tô của các công ty đón và trả về trong ngày.
Đối với khu vực vùng trũng huyện Phú Xuyên, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh giúp giảm chi phí, tiết kiệm sức lao động của người dân. Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thắng (xã Đại Thắng) Nguyễn Văn Thanh cho biết, từ năm 2012, xã Đại Thắng đã triển khai đề án cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Cùng với sự hỗ trợ của Thành phố, huyện Phú Xuyên, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư hơn 3 tỷ đồng mua 7 máy làm đất, 10 máy cấy và 18.000 khay nhựa để làm mạ, 1 giàn gieo hạt giống lúa tự động làm dịch vụ cho xã viên. Bà Lương Thị Hoản (xã Đại Thắng) cho biết: “Hợp tác xã thực hiện “trọn gói” cho người dân từ khâu làm đất, gieo mạ đến khi cấy xong. Người dân chỉ việc nhận ruộng về chăm sóc. Nông dân không mất nhiều thời gian cho đồng ruộng nên tập trung phát triển ngành nghề để có thu nhập cao hơn” - bà Lương Thị Hoản nói.
Không chỉ có bước tiến mạnh mẽ trong sản xuất, nông thôn Hà Nội cũng ngày một văn minh, hiện đại hơn. Tại huyện Đan Phượng, đến nay, các điểm công cộng, nhà văn hóa đều được địa phương lắp đặt mạng wifi miễn phí phục vụ người dân tra cứu thông tin về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, giải trí. Các địa phương cũng tuyên truyền, vận động nhân dân lắp đặt hàng trăm camera an ninh; hàng nghìn đèn năng lượng mặt trời tại các trục đường giao thông, xóm, ngõ...
Trong những ngày này, người dân Hà Nội nói chung và nhiều huyện ngoại thành nói riêng rất phấn khởi khi Trung ương và Thành phố khởi công tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là dự án quan trọng mang tầm quốc gia, được Quốc hội quyết định đầu tư và Chính phủ ban hành nghị quyết để triển khai thực hiện. Tuyến đường đi qua nhiều huyện như Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, mở ra cơ hội rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, Đan Phượng đang trong lộ trình xây dựng huyện phát triển thành quận vào năm 2025. Từ chỗ chỉ có tuyến đường lớn nhất qua địa bàn là quốc lộ 32, giờ đây huyện sắp có thêm tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua 5 xã của huyện kết hợp với tuyến đường Tây Thăng Long đang chuẩn bị khởi công. Khi hoàn thành, huyện sẽ thu hút được các nhà đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, đó là đòn bẩy phát triển nhanh, mạnh mẽ.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay, thành phố Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2023, tất cả các huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, thành phố còn có 111 xã nông thôn mới nâng cao (đến hết năm 2023 dự kiến có 172 xã đạt nông thôn mới nâng cao); 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu (đến hết năm 2023 dự kiến có 53 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu). Hà Nội cũng đang tập trung đầu tư xây dựng để đến năm 2025 có thêm 5 huyện trở thành quận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.