Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xúc tiến thương mại nông sản: ''Chìa khóa'' hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm

Quỳnh Dung| 27/08/2022 07:15

(HNM) - Hiện nay, để hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ. Qua đó giúp các đơn vị quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Người tiêu dùng lựa chọn các mặt hàng nông sản tại Hội chợ quảng bá giới thiệu sản phẩm do ngành Nông nghiệp tổ chức, tháng 8-2022. Ảnh: Đăng Khôi

Ký kết hàng trăm hợp đồng

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm (quận Thanh Xuân) Đinh Thị Hải Yến, hiện nay, công ty đưa ra thị trường hơn 20 sản phẩm như giò, chả, chả cốm, chả cá thu, chả mực... Để đẩy mạnh tiêu thụ, thời gian qua, công ty đã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ do ngành Nông nghiệp tổ chức. Nhờ chất lượng sản phẩm, trung bình mỗi ngày, công ty cung cấp cho người tiêu dùng 60kg thực phẩm chế biến các loại, ngày cao điểm lên tới 400-500kg tại hệ thống các cửa hàng tiện ích.

Còn theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên Đỗ Minh Tuân, năm 2022, diện tích nhãn toàn tỉnh khoảng 5.000ha, trong đó có 4.800ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 45.000 tấn. Tỉnh Hưng Yên hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trên cả nước, đồng thời hỗ trợ tư vấn, đóng gói, vận chuyển, sẵn sàng đưa nông sản Hưng Yên đến các tỉnh, thành phố. Đặc biệt là tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội để giới thiệu, quảng bá đặc sản vùng miền.

Nói rõ hơn về chương trình xúc tiến thương mại nông sản, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 25 trung tâm thương mại; 141 siêu thị, chủ yếu tập trung tại nội thành; 454 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối nông sản (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai) và một số chợ có tính chất đầu mối; hơn 1.000 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, hơn 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm... Ngoài ra, mỗi năm thành phố tổ chức hàng chục hội chợ hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn tới khách hàng...

“Việc tham gia chương trình xúc tiến thương mại đã giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp từng bước đổi mới tư duy, nhận thức trong quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm phục vụ thị trường. Nhiều hợp tác xã đạt được những thỏa thuận, ký kết hàng trăm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thịt, cá, rau, củ, quả các loại, sản phẩm thực phẩm chế biến an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng với các đại lý phân phối, các nhà hàng, bếp ăn tập thể, các hệ thống siêu thị như Saigon Coop, Lotte, Winmart và các bếp ăn khu công nghiệp…”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.

Tăng cường kết nối cung - cầu

Hiện công tác xúc tiến thương mại đã có những hiệu quả nhất định nhưng vẫn còn không ít khó khăn do nhiều sản phẩm nông nghiệp tốt, có giá trị cao, bảo đảm an toàn thực phẩm... chưa được các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng biết đến trong khi các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp còn khó khăn, loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Các hoạt động xúc tiến thương mại thường tập trung vào việc duy trì, tìm kiếm, mở rộng thị trường để bán những hàng hóa các đơn vị đang sản xuất, chưa gắn liền với hoạt động phát triển sản phẩm để có thể bán những sản phẩm hàng hóa mà thị trường yêu cầu...

Để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban kiến nghị, ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, các ngành chức năng hỗ trợ hợp tác xã trong việc kết nối cung - cầu thông qua các buổi hội thảo, hội chợ, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, Chi cục thường xuyên giới thiệu các địa chỉ sản xuất, sơ chế, chế biến kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Hà Nội và các tỉnh nhằm phối hợp kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hội chợ, tuần lễ do Bộ NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm nông sản chế biến, thay đổi thói quen của người tiêu dùng chuyển từ tiêu dùng sản phẩm không có nguồn gốc sang các sản phẩm được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường nhằm thực hiện tốt vai trò định hướng cho tiêu thụ sản phẩm chế biến nông sản của thành phố; đẩy mạnh chuỗi liên kết của thành phố với các tỉnh trong cả nước, thúc đẩy cung cấp nguyên liệu đầu vào chế biến và tiêu thụ sản phẩm chế biến. Mặt khác, ngành Nông nghiệp tham mưu thành phố có chính sách phát triển thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản; hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước...

Về nhiệm vụ có tính chất tổng thể và lâu dài, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết thêm, Sở sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, thông qua hình thức tổ chức thêm nhiều buổi tọa đàm trực tuyến, liên kết với các sàn thương mại điện tử, kết nối các trang mạng xã hội nhằm giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Sở cũng sẽ kết nối với các tỉnh, thành phố để giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa hàng hóa đến các hội chợ thương mại nông sản có tính chất vùng miền hoặc quy mô toàn quốc nhằm mở rộng cơ hội giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xúc tiến thương mại nông sản: ''Chìa khóa'' hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.