Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu thế phát triển tất yếu

Bắc Vũ| 26/07/2021 06:10

(HNM) - Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, ngành Y tế cũng có những bước thay đổi nhanh chóng với nhiều tiện ích mới, giúp việc khám chữa bệnh thuận lợi hơn. Nếu như trước đây, muốn kiểm tra các vấn đề về sức khỏe, người dân phải tới thăm khám trực tiếp tại bệnh viện, thì hiện nay có thêm dịch vụ khám sức khỏe online (trực tuyến) mà không tốn nhiều thời gian, công sức đi lại và chi phí. Thông qua các ứng dụng y tế thông minh, mạng xã hội, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ mọi lúc, mọi nơi; ngược lại, bác sĩ cũng có thể nhanh chóng trợ giúp, cứu chữa bệnh nhân nhanh chóng hơn.

Đặc biệt, từ tháng 6-2020, Bộ Y tế đã thực hiện Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025”. Bước đầu triển khai đề án cho thấy, các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Hơn thế, người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng khó khăn có thể tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng.

Hiện, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, do đó, việc tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025” chính là thực hiện “mục tiêu kép” của ngành Y tế: Vừa phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở y tế, vừa đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực y tế. Để làm tốt việc này, ngành Y tế phải từng bước tạo dựng được mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến; giữa người bệnh với đội ngũ y, bác sĩ. Các mạng lưới này phải được hỗ trợ chuyên môn, cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh tương đương, từ đó bổ trợ năng lực khám, điều trị, bảo đảm xử trí được những ca bệnh nặng, mà không phải chuyển lên tuyến trên. Nói cách khác là hình thành và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cần xây dựng hướng dẫn hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, bao gồm hướng dẫn chuyên môn, chuẩn về phòng khám tư vấn và các chuẩn công nghệ liên quan, bảo đảm việc kết nối thông suốt phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh từ xa.

Song song, các cơ sở y tế cần tích cực phát triển, mở rộng dịch vụ khám bệnh, tư vấn sức khỏe trực tuyến. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nghiên cứu và phát triển các ứng dụng phù hợp, cần tập trung nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ y, bác sĩ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Quá trình tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe trực tuyến cần lưu ý vấn đề bảo mật thông tin, hồ sơ sức khỏe cho người bệnh.

Để bảo đảm chất lượng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, vai trò của đội ngũ y, bác sĩ cũng rất quan trọng. Ngoài việc thường xuyên tương tác, hỗ trợ nhau về chuyên môn giữa các tuyến, đội ngũ y, bác sĩ cần tích cực nâng cao trình độ cả về chuyên môn cũng như việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa… Với người bệnh, để nhận được sự tư vấn hiệu quả từ bác sĩ, cần chuẩn bị chu đáo, kỹ càng về các thông tin liên quan đến tình hình sức khỏe bản thân, những vấn đề cần tư vấn, hồ sơ bệnh án và các loại thuốc đang sử dụng (nếu có)…

Không chỉ phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh, dịch vụ khám bệnh, tư vấn sức khỏe từ xa là xu thế phát triển tất yếu của một ngành Y tế hiện đại trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu thế phát triển tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.