Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả: Tránh giơ cao, đánh khẽ

Khánh Ngân| 27/02/2013 07:52

(HNM) - Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, hành vi buôn bán hàng giả sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 70 triệu đồng; sản xuất hàng giả bị phạt từ 200.000 đồng đến 100 triệu đồng.

Đây là một trong những nội dung của Nghị định 08/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, có hiệu lực từ ngày 1-3-2013. Báo Hànộimới nhận được nhiều ý kiến độc giả xung quanh vấn đề này.

Chống hàng giả, hàng nhái cần sự vào cuộc của cả người dân.


Ông Phương Văn Hiền (phường Xuân La, Tây Hồ): Hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp

Cách đây 14 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả (Chỉ thị 31/1999/CT-TTg); Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 127)... Điều này cho thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm, "đưa vào tầm ngắm", tìm biện pháp xử lý, ngăn chặn. Mặc dù vậy, thời gian qua, tình hình sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Hàng giả đủ các chủng loại vẫn xuất hiện nhan nhản trên thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, tổn hại lớn tới nền kinh tế.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 08/2013/NĐ-CP, sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý thuận lợi để các cơ quan chức năng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đặc biệt, việc tăng gấp đôi mức xử phạt đối với hành vi vi phạm, buôn bán hàng nhái, hàng giả liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, hóa mỹ phẩm... là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn, đẩy lùi việc sản xuất, buôn bán hàng giả.

Ông Nguyễn Văn Thành (phường La Khê, Hà Đông): Mức phạt vẫn còn nhẹ

Nghị định 08/2013/NĐ-CP có bốn chương, 25 điều. Theo đó, hình thức phạt tiền quy định tại Nghị định này được áp dụng xử phạt tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Nhìn chung, một Nghị định riêng cho lĩnh vực hàng giả, hàng nhái là cần thiết và phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay, khi mà vấn nạn này đang hoành hành tại nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mức xử phạt quy định tại Nghị định này vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng cần phải kịp thời và kiên quyết hơn.

Ông Trương Thế Dân (phường Thành Công, Ba Đình): Quản chặt khâu cấp phép, đăng ký sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh tình trạng sản xuất hàng giả với mẫu mã y hệt sản phẩm thật nhằm trà trộn vào khâu tiêu thụ thì có một bộ phận doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh hẳn hoi với đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, chỉ tiêu chất lượng hàng hóa, sản phẩm cụ thể, nhưng với dụng ý thêm tiền tố hoặc hậu tố vào tên gọi sản phẩm gần giống với những hàng hóa đã có tên tuổi trên thị trường không chỉ gây lầm lẫn cho người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của những doanh nghiệp đã dày công xây dựng thương hiệu và khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn khi kiểm tra, xử lý vi phạm. Vì vậy, để công tác chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị chủ quản, vẫn cần những quy định nghiêm ngặt hơn trong quá trình xét cấp phép đăng ký kinh doanh, đăng ký sản phẩm để cơ sở kinh doanh không thừa cơ "lách" luật.

Chị Trần Thị Liên (phường Nhân Chính, Thanh Xuân): Cần chỉ dẫn người dân cách thức phân biệt hàng giả, hàng nhái

Trong sự phát triển mạnh mẽ của mọi lĩnh vực đời sống, nhất là kỹ thuật, công nghệ cao thì hành vi làm giả, làm nhái hàng hóa ngày càng tinh vi và phức tạp, khiến người làm công tác chuyên môn phải dùng thiết bị, máy móc hiện đại mới phân biệt, đánh giá được. Người dân chỉ có cảm giác và kinh nghiệm thực tiễn nên khó phân biệt rõ hàng giả, hàng nhái và hàng thật. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân có quan điểm "sính" dùng hàng nhái với giá rẻ hơn hàng thật cũng khiến thị trường buôn bán hàng thật, hàng giả phức tạp hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả: Tránh giơ cao, đánh khẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.