(HNM) - Thời gian gần đây, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhiều người tìm đến mua sắm ở những địa chỉ rõ ràng, có nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu...
Đáng chú ý, tình trạng trên diễn ra trong thời gian dài và khi lực lượng chức năng kiểm tra thì mới phát hiện ra hàng loạt sai phạm. Quả thực, điều này không chỉ gây mất niềm tin với người tiêu dùng mà còn cho thấy công tác quản lý nhà nước vẫn chưa tốt, bộc lộ nhiều lỗ hổng.
Trong xu thế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng diễn biến phức tạp là khó tránh. Đối tượng của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại lại đa dạng, phương thức, thủ đoạn ngày càng xảo quyệt, lực lượng tham gia tăng, phạm vi hoạt động rộng. Các đối tượng đã tìm mọi cách lợi dụng kẽ hở của cơ chế chính sách để thực hiện các hành vi, thủ đoạn tinh vi hơn gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý. Chỉ từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ 5.955 vụ cho thấy tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp như thế nào.
Trên thực tế, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại luôn là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Từ đây, thấy rõ để làm tốt công tác này phải phát huy được sức mạnh tổng hợp và sự tham gia của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân.
Một trong những nhiệm vụ đặt ra trước mắt là lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm theo pháp luật; xây dựng các kế hoạch chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm với các đối tượng cầm đầu, đường dây, ổ nhóm buôn lậu các mặt hàng cấm, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng. Đặc biệt, phải làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu... để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm.
Cùng với đó, thời gian tới phải tiến hành sắp xếp, tổ chức lại lực lượng kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo hướng tinh gọn, chuyên sâu. Trong bối cảnh tình hình buôn lậu diễn ra phức tạp, đặc biệt là gian lận thương mại với hình thức “treo đầu dê, bán thịt chó” có xu hướng gia tăng, thì càng cần xây dựng được đội ngũ nòng cốt, gồm những cán bộ giỏi nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm, tận tâm gắn bó với hoạt động kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Ngoài ra, chúng ta nên có chính sách quan tâm thúc đẩy phát triển nền sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt. Trong đó khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại, ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào sản xuất, giảm thiểu các chi phí để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đa dạng về mẫu mã với giá thành hợp lý nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và dần dần thay thế hàng ngoại nhập.
Quyết tâm đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng mà mục tiêu quan trọng là ổn định, lành mạnh thị trường, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh làm ăn chân chính. Vì vậy, song song với việc tuyên truyền, phổ biến các mặt nguy hại của nạn buôn lậu, gian lận thương mại rộng rãi trong nhân dân, các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm, tránh để tái diễn, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.