(HNM) - Thời gian qua, hoạt động tín dụng “đen” với nhiều biến tướng đã dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn TP Hà Nội.
Cạm bẫy từ tín dụng “đen”
Hoạt động tín dụng “đen” đã và đang len lỏi đến từng ngõ ngách trên địa bàn TP Hà Nội. Tín dụng "đen" có lãi suất huy động và cho vay cao, nhưng thủ tục đơn giản hơn so với các ngân hàng; người vay chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu gốc hay thậm chí hợp đồng viết tay cũng có thể vay được tiền. Do vậy, nhiều người đã rơi vào “ma trận” của những kẻ cho vay nặng lãi.
Quảng cáo cho vay tiền với thủ tục rất đơn giản xuất hiện tại nhiều điểm công cộng ở Hà Nội . |
Theo anh T.M.T. (sinh năm 1967, trú ở quận Đống Đa, nạn nhân của tín dụng “đen”), lãi suất tối thiểu của các khoản vay từ 10%/tháng trở lên, thậm chí áp dụng lãi suất ngày từ 1.000 đến 5.000 đồng/1 triệu đồng. Lãi suất cao khiến người vay rơi dần vào cảnh vỡ nợ. Khi đó, các đối tượng dùng mọi cách để đòi tiền như: Đe dọa tính mạng người thân của người vay nợ, hoặc khủng bố tinh thần như đổ sơn, chất thải, mang quan tài, vòng hoa, dán cáo phó… Điển hình vụ việc ngày 23-6, cơ quan cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) đã bắt quả tang 6 đối tượng do Nguyễn Thị Duyên (sinh năm 1985, trú tại phường Duyên Hải, TP Lào Cai) cầm đầu có hành vi cưỡng đoạt tài sản của một phụ nữ tại quận Long Biên. Trước đó, cuối năm 2015, nạn nhân vay của Duyên 300 triệu đồng và trả lãi 5.000 đồng/1 triệu/ngày. Chỉ sau 18 tháng, món nợ đã "đẻ" tới 1,5 tỷ đồng. Thấy người vay mất khả năng thanh toán, Duyên huy động một số đối tượng lưu manh đến đe dọa “chặt chân”, “đập nát nhà” và dùng loa công suất lớn để đòi nợ...
Xử lý tận gốc
Công an thành phố xác định, tín dụng “đen” hoạt động mạnh sẽ gây bất ổn xã hội, dẫn đến nhiều loại hình tội phạm khác nên đã ban hành Kế hoạch 231/KH-CAHN-PV11 ngày 25-8-2016 về “Tổ chức điều tra cơ bản, công tác quản lý về an ninh trật tự và phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính”. Theo Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội), qua rà soát, điều tra cơ bản, công an các quận, huyện, thị xã đã lập danh sách hơn 2.400 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, trong đó có hơn 860 cơ sở kinh doanh tài chính với 669 cơ sở, cá nhân hoạt động không phép. Từ đầu năm 2017 đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và công an các quận, huyện, thị xã đã triệt phá 20 ổ nhóm hoạt động tín dụng “đen” vi phạm pháp luật. Chỉ trong tháng 6, các đơn vị thuộc Công an thành phố đã khám phá 5 ổ nhóm hoạt động tín dụng “đen”, bắt 26 đối tượng có hành vi cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê.
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch 231/KH-CAHN-PV11, các đơn vị công an trên địa bàn thành phố rà soát, lên danh sách những cơ sở tín dụng "đen" mới hoạt động và tổ chức kiểm tra, đóng cửa các cơ sở không phép. Các hoạt động đòi nợ gây mất an ninh trật tự đều được lập hồ sơ, tập trung lực lượng, biện pháp điều tra, xử lý. Đi kèm với các biện pháp nghiệp vụ, Công an thành phố tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, tố giác các đối tượng hoạt động tín dụng “đen” và các đối tượng quảng cáo, rao vặt hoạt động này. Cuối tháng 6 vừa qua, lực lượng chức năng ra quân bóc gỡ các tờ rơi cho vay tài chính với mục đích ngăn chặn hành vi quảng cáo hoạt động tín dụng “đen” và làm đẹp mỹ quan đô thị.
Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới Ban Giám đốc Công an thành phố sẽ thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thực hiện nhiệm vụ không hiệu quả, để sót lọt tội phạm hoạt động tín dụng “đen”. Để không bị động, các đơn vị trong Công an thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, thu thập tài liệu, xác lập chuyên án đấu tranh, kiên quyết loại bỏ tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.