(HNM) - Phát biểu tại lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2015 tổ chức tối 3-4 tại TP Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta vui mừng vì Việt Nam được du khách quốc tế đánh giá là một trong những điểm đến thân thiện, hấp dẫn...
(HNM) - Phát biểu tại lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2015 tổ chức tối 3-4 tại TP Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta vui mừng vì Việt Nam được du khách quốc tế đánh giá là một trong những điểm đến thân thiện, hấp dẫn. Song chúng ta không khỏi chạnh lòng khi có những du khách một đi không trở lại vì những lý do khiến họ không hài lòng... Có thể nói, du lịch Việt Nam đang tồn tại rất nhiều vấn đề và đáng buồn hơn, chúng như thể thứ bệnh kinh niên, nhờn thuốc và rất khó điều trị. Ngoài nạn "chặt chém", làm ăn theo kiểu chộp giật, một vấn nạn làm "đau đầu" các cơ quan quản lý là tình trạng hàng rong đeo bám du khách nước ngoài. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều du khách "một đi không trở lại".
Trước hết, có thể nói nạn hàng rong, đeo bám khách du lịch nước ngoài không phải vấn đề mới. Chính quyền và các cơ quan chức năng của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã không ít lần tổ chức ra quân ngăn chặn tệ nạn này, thậm chí đã lập "đường dây nóng", thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ du khách... nhằm lấy lại hình ảnh cho ngành du lịch.
Thế nhưng, những nỗ lực mang tính “phong trào” không mang lại kết quả, thậm chí còn dẫn đến căn bệnh "nhờn luật". Và khi lực lượng bảo vệ du khách mới chỉ đảm nhận được việc... hướng dẫn, trợ giúp thì vấn nạn nêu trên sẽ lại phát tác. Thực tế tại các điểm "nóng" du lịch như khu vực đền Ngọc Sơn, phố cổ Hà Nội hay Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh đã cho thấy điều đó.
Nhà nước đầu tư khoản ngân sách không nhỏ vào các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch nhưng những khoản đầu tư ấy cũng rất có thể sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bởi lẽ, những ấn tượng thực tế của du khách quốc tế tại địa điểm du lịch, hay phản hồi và chia sẻ kinh nghiệm hoặc những nhận xét trên các trang mạng xã hội đều có thể tác động mạnh mẽ đến cộng đồng du lịch. Và trong nhiều trường hợp sẽ khiến những lời quảng bá trở nên "vô nghĩa". Trở lại với câu chuyện hàng rong đeo bám khách du lịch, đây thật sự là bài toán khó. Bởi vấn đề không chỉ nằm ở việc "phạt ngọn": Ra quân, xử phạt... mà phải giải quyết từ "gốc", nghĩa là tạo công ăn việc làm, đời sống ổn định cho những người làm nghề này.
Thực tế cho thấy, vấn nạn hàng rong đeo bám du khách nước ngoài không phải là "chuyện riêng" của các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hay của Việt Nam mà là vấn đề của nhiều nước trên thế giới. Trong hàng loạt giải pháp nhằm loại bỏ vấn nạn này, một số nước đã quy hoạch lại hàng rong, hình thành các dự án hỗ trợ người bán hàng rong nâng cấp các xe bán hàng, xe đẩy; yêu cầu họ ăn mặc lịch sự, bán đúng nơi quy định và không cố tình tiếp cận du khách hay nhảy lên xe du lịch để bán hàng... Ở một góc nhìn khác, có thể thấy những người bán hàng rong cũng thể hiện phần nào bản sắc văn hóa của mỗi đất nước. Do vậy, tìm ra các giải pháp để hàng rong không còn là vấn nạn mà trở thành một điểm nhấn thu hút khách du lịch là một cách tiếp cận rất đáng để suy nghĩ.
Trong lúc các cơ quan chức năng đang tìm lời giải cho việc xây dựng một hình ảnh khác biệt để ngành "công nghiệp không khói" có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực thì việc đưa ra những quy định, quy chế rõ ràng làm căn cứ pháp lý cho việc tổ chức, quản lý hàng rong là hết sức cần thiết. Cũng cần rõ ràng rằng, đây không phải là "chuyện riêng" của ngành du lịch, nếu không có sự nỗ lực của toàn xã hội và mỗi địa phương thì du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục mất điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.