Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý tài sản, thu nhập "bất minh" qua tòa án: Còn nhiều tranh luận

Bảo Hân| 25/10/2018 17:35

(HNMO) - Phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập, tranh luận tại phiên thảo luận sáng 25-10.

sáng 25-10, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. 


Đặc biệt, nhiều ý kiến tập trung phân tích về những điểm chưa hợp lý với phương án xử lý được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn là qua thủ tục tố tụng tại toà án.

Sẽ gây quá tải cho toà án?

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp).


Bảo lưu ý kiến chọn phương án 2 như trong dự thảo Luật là thu thuế thu nhập cá nhân và không loại trừ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản của người có nghĩa vụ kê khai, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế, thủ tục, quy trình xử lý qua tòa án khó có thể tiến hành nhanh chóng vì có thể đối tượng khởi kiện ra tòa án cao hơn.

"Như vậy, phải đưa ra tòa án tái thẩm, giám đốc thẩm, khiến thời gian xử lý sẽ kéo dài. Trong khi đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế đều có quy định xử lý với những trường hợp cố tình không kê khai tài sản, trung thực thu nhập để tính thuế. Nếu Quốc hội quy định theo phương án này thì đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập thuế và thuế suất, bảo đảm tính đồng bộ khi Luật Thuế và Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có hiệu lực thì thi hành được ngay" - đại biểu Hòa đề nghị.

Phát biểu ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, Quốc hội xem xét thật kỹ lưỡng và không nên đồng tình với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc thì sẽ chuyển cho tòa án. Một trong những lý do mà đại biểu đưa ra là thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra mà không chứng minh được tài sản thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì không thể có chứng cứ, không có cơ sở pháp lý để quy tội và không thể chuyển cho tòa án xét xử.


Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum).


"Không có căn cứ pháp lý mà chuyển cho tòa án thì sẽ làm khó toà, vì kết luận đúng, sai không có cơ sở. Việc làm này dễ phát sinh tiêu cực, làm mất cán bộ, làm mất niềm tin của người dân, chưa nói đến là tăng số lượng vụ án, tăng thời gian xét xử, đòi hỏi phải tăng thêm biên chế cho tòa án" - đại biểu Phương nêu.

"Nếu giao cho tòa thì tòa sẽ có thêm một nhiệm vụ nữa, nhưng hiện nay, tòa đang giải quyết các vụ việc hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân, gia đình, hành chính, nếu giao thêm nhiệm vụ này thì tòa có quá tải không? Trong luật chưa có quy định nào để tạo nguồn lực cho tòa làm việc này" - đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu thêm một "trở ngại".

Tranh luận với các ý kiến trên, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) bày tỏ tin tưởng khi cho rằng: "Hiện nay, công việc của tòa án quá tải nhưng Quốc hội giao thêm nhiệm vụ thì hệ thống tòa án sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có gì phải băn khoăn".

Xử lý thật nghiêm khắc trường hợp cố tình gian dối

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị cần quy định rõ về những tài sản không kê khai, bởi theo ông: "Không kê khai tức là cố tình che giấu. Cố tình gian dối thì phải xử lý thật nghiêm khắc, thậm chí là tịch thu và xử lý kể cả về mặt hành chính. 

Đại biểu cũng đề nghị, nếu như cơ quan quản lý nghi ngờ những dấu hiệu bất minh mà tự mình không chứng minh được thì phải chuyển tài sản đó cho cơ quan điều tra để điều tra dấu hiệu bất minh đó. 

Trường hợp cơ quan quản lý cũng không phát hiện ra dấu hiệu bất minh thì tài sản sẽ chuyển qua cơ quan thuế để thu thuế theo phương án 2 mà không sợ thuế trùng thuế, bởi vì bản thân người có tài sản đó cũng không chứng minh được là mình đã nộp thuế.  Nếu chứng minh được mình đã nộp thuế thì đương nhiên người ta đã chứng minh được tính minh bạch của nguồn gốc tài sản".

Chưa xử lý trực tiếp vào tài sản

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý là vấn đề nóng nhất hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích thêm, đây không phải là loại tài sản tham nhũng, nó thuộc loại mà cả cơ quan có trách nhiệm và người có tài sản đều chưa chứng minh được nguồn gốc và có khả năng có nguồn gốc từ tham nhũng.

Theo quy định của luật hiện hành, đối với những người kê khai tài sản không trung thực thì xóa tên khỏi danh sách của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và danh sách ứng cử, không bổ nhiệm, không phê chuẩn vào chức vụ dự kiến sẽ bổ nhiệm phê chuẩn, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức nhà nước theo quy định của pháp luật.

"Như vậy, đối với những hành vi kê khai không trung thực, giải trình về hành vi không trung thực, hiện nay chúng ta vẫn đang xử lý nhưng chưa xử lý trực tiếp vào tài sản mà chỉ xử lý kỷ luật và xóa tên khỏi danh sách ứng cử, không bổ nhiệm" - bà Nga nêu.

Cũng theo bà Nga, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ các phương án. Không có một phương án nào là mỹ mãn hoàn toàn để đáp ứng được tất cả yêu cầu, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm. Phương án qua toà án - như thủ tục xem xét giải quyết, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có nhiều ưu điểm hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga báo cáo, làm rõ một số vấn đề các đại biểu nêu.


Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH và đề nghị các đại biểu cân nhắc thật kỹ, gửi lại cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tập hợp, nghiên cứu và báo cáo giải trình với Quốc hội.

Ủy ban Tư pháp phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan và các đại biểu Quốc hội được giao nhiệm vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện, làm báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình lại Quốc hội xem xét thông qua tại cuối kỳ họp này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý tài sản, thu nhập "bất minh" qua tòa án: Còn nhiều tranh luận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.