Chính trị

Đề xuất chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội

Mai Hữu 16/11/2023 - 11:40

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu.

Sáng 16-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, điều hành phiên họp.

ubtvqh7.jpg
Quang cảnh phiên họp.

22 nội dung còn có phương án khác nhau

Trình bày báo cáo tóm tắt về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với 4 nội dung có 1 phương án và 22 nội dung có 2 phương án, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 4/26 nội dung ý kiến đại biểu Quốc hội tương đối tập trung; 15/26 nội dung có ít ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia, chưa rõ xu hướng ý kiến, ý kiến tham gia còn phân tán, chưa thống nhất; 7/26 nội dung không có ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia.

Về phương án chính sách thể hiện tại dự thảo Luật, có 6/26 nội dung đã tiếp thu gọn còn 1 phương án; 14/26 nội dung còn có 2 phương án; 1/26 nội dung cần có thông tin làm rõ; 5/26 nội dung Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo cấp có thẩm quyền.

vuhongthanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 14 nội dung còn 2 phương án, 1 nội dung cần có thông tin làm rõ và 5 nội dung trong số các nội dung lớn của dự thảo Luật đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại kỳ họp thứ sáu đã được Đảng đoàn Quốc hội báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Về phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường tại kỳ họp thứ sáu, các quy định tại dự thảo Luật đã được tiếp tục hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, ý kiến đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung chính sách lớn có nhiều ý kiến hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau còn chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường cho thấy, có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ sáu; trong khi đó, 6/22 ý kiến nhận định rõ sự cần thiết sớm thông qua dự thảo Luật nhưng phải bảo đảm chất lượng, 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật một cách thấu đáo nhất, đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp này.

“Với việc cần ưu tiên chất lượng của dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp thứ sáu (theo chương trình dự kiến biểu quyết thông qua Luật vào ngày 29-11, tại đợt 2 của kỳ họp)”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

hoangthanhtung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thảo luận.

Đề xuất lựa chọn phương án tốt nhất

Thảo luận tại phiên họp, liên quan đến loại đất thực hiện nhà ở thương mại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thống nhất cao giữ như phương án pháp luật hiện hành gồm đất ở, đất khác không phải đất ở, đất nông nghiệp và phi nông nghiệp và nhận chuyển tiền sử dụng đất ở thông qua thỏa thuận để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Còn những trường hợp khác sẽ thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất. “Nếu thống nhất cao được vấn đề này thì không nên nêu hai phương án để báo cáo Quốc hội”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ quan tâm đến quy định về đất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, đối với diện tích đất đã được cấp lần 2 cho đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rõ trong luật không được chuyển nhượng. Đồng thời, đối với quy định về hỗ trợ tái định cư, cần nghiên cứu quy định chặt chẽ để tránh tình trạng tạm cư tràn lan.

tranhongha.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng nhất trí với quan điểm trên và cho rằng, về nội dung liên quan đến đất cấp lần 2 cho đồng bào dân tộc, nếu để tiếp tục xảy ra tình trạng chuyển nhượng, mua bán, thì sẽ khó khăn cho sinh kế đồng bào. Vì vậy, việc cấm việc chuyển nhượng là cần thiết.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật hệ trọng nên cần đặt sự ưu tiên về chất lượng lên hàng đầu. Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Chính phủ đối với những nội dung đã được thảo luận tại phiên họp này.

ubtvqh6.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất đối với 6 nội dung đã tiếp thu gọn lại còn 1 phương án. Đối với những nội dung có 2 phương án, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lập luận kỹ hơn, xin ý kiến Chính phủ bằng văn bản, sau khi có ý kiến đồng thuận của Chính phủ thì sẽ thu gọn lại còn 1 phương án để trình Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan thẩm tra tiếp tục tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo luật, trong đó có ý kiến góp ý của Ban Kinh tế Trung ương về việc khắc phục tình trạng đất lãng phí, đất suy thoái, về những hành vi bị nghiêm cấm, quyền chung của người sử dụng đất, điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.