(HNM) - Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực, với khung hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn khi tham gia giao thông, tại Hà Nội đã xuất hiện dịch vụ đưa người uống rượu, bia về nhà. Mặc dù đây là dịch vụ mới nhưng mau chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Giúp sử dụng rượu, bia văn minh, an toàn
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù chưa phổ biến nhưng chưa đầy nửa tháng kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/ NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, trên mạng xã hội xuất hiện dịch vụ lái xe thuê đưa người đã uống rượu, bia về nhà an toàn, như “Say gọi xế - xế nhận say”, “Bạn uống tôi lái”, “Đưa tôi về nhà - tôi say rồi”..., với mức giá từ 300.000 đến 500.000 đồng/ lượt tùy quãng đường.
Anh Nguyễn Đình Lợi, nhân viên bán hàng của một công ty bất động sản ở quận Cầu Giấy cho biết: Do đặc thù của công việc nên anh thường xuyên phải tiếp khách. Từ ngày Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, khi phải tiếp khách anh Lợi đã sử dụng dịch vụ “Say gọi xế - xế nhận say” để về nhà. “Đây là dịch vụ mới ra đời tại Hà Nội, nhưng tôi thấy rất thuận tiện. Khách chỉ cần vào nhóm “Say gọi xế - xế nhận say” trên Facebook đặt lịch, thông báo địa chỉ đón và địa chỉ đến sẽ được phục vụ ngay” - anh Lợi chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hoàng, phường Kim Liên, quận Đống Đa cho hay: “Với mức xử phạt nghiêm khắc theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, mỗi khi đến quán rượu, bia, chúng tôi thường gọi taxi. Tuy nhiên, với trường hợp đột xuất trót vui vài chén với bạn bè, đồng nghiệp…, tôi đã chọn cách gọi dịch vụ thuê lái xe đưa về để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện”.
Anh Nguyễn Minh Đức, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân - người sáng lập ra nhóm “Say gọi xế - xế nhận say” - một cộng đồng kết nối dịch vụ cho người uống rượu, bia cần tìm người lái xe đưa về trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram cho biết: Dù mới hình thành đầu tháng 1-2020 nhưng đến nay nhóm đã có trên 3.000 thành viên (chủ yếu là lái xe ô tô) ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh… đăng ký. Tuy mới xuất hiện nhưng tính riêng tại Hà Nội, hiện mỗi ngày có khoảng 50 khách hàng sử dụng dịch vụ này.
Ngoài ra, một mô hình với tên gọi khác là “Đưa tôi về nhà - tôi say rồi” nằm trong nhóm dịch vụ Cứu hộ giao thông được tích hợp ngay trên ứng dụng ra-đa. Theo đó, người dùng chỉ cần bấm và truy cập vào ứng dụng, dịch vụ này sẽ đưa người đã uống rượu, bia về nhà và đưa phương tiện về bãi đỗ với cam kết bảo đảm an toàn cho phương tiện, tài sản của khách hàng.
Cần được nhân rộng
Bên cạnh các dịch vụ kể trên, thời gian gần đây, một số nhà hàng, quán nhậu tại Hà Nội cũng nắm bắt xu hướng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ khách hàng về nhà an toàn. Anh Bùi Văn Chấn, chủ một quán bia hơi Hà Nội trên phố Đội Cấn (quận Ba Đình) cho biết: Để bảo đảm an toàn cho khách, chúng tôi đã cải tạo phần diện tích phía trước quán để làm bãi đỗ xe, trông giữ xe qua đêm cho khách khi cần và hỗ trợ khách gọi xe về nhà. Còn theo anh Đỗ Danh Doãn - chủ hệ thống bia hơi Hải Hói trên đường Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy), tại mỗi điểm kinh doanh, nhà hàng bố trí 2 quản lý biết lái xe ô tô để đưa cả khách và phương tiện về an toàn, đồng thời hỗ trợ khách gọi xe về nhà sau khi ăn uống.
Để việc sử dụng rượu, bia văn minh, an toàn, mô hình dịch vụ hỗ trợ khách lái xe, hoặc đưa người đã uống rượu, bia về nhà rất cần được nhân rộng. Song, bên cạnh đó cũng cần có sự quản lý nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng dịch vụ. Anh Nguyễn Minh Đức, sáng lập nhóm “Say gọi xế - xế nhận say” chia sẻ: Để khách hàng yên tâm khi sử dụng dịch vụ, quản trị nhóm đã tạo ra mã QR-code của nhóm và số điện thoại đại diện, dán ở khoảng 50 nhà hàng, quán bar trên địa bàn Hà Nội. Khách hàng chỉ việc quét mã QR-code là sẽ được phục vụ. Với lái xe, khi đăng ký cung ứng dịch vụ phải nộp trích ngang lý lịch, sao chụp giấy tờ tùy thân, bằng lái xe, số điện thoại.
Chung suy nghĩ phải tạo được sự an tâm, tin tưởng đối với khách hàng, anh Trần Nhật Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dịch vụ Bạn uống tôi lái khẳng định: Khách hàng được bảo đảm khi đặt lái xe tại ứng dụng mang tên BUTL của công ty, bởi vì lộ trình di chuyển của khách được hiển thị trực tiếp trên ứng dụng và chủ phương tiện có thể chia sẻ cho người thân để an tâm trong lộ trình của mình. Hiện bình quân mỗi ngày, BUTL thực hiện khoảng 500 chuyến. Anh Trần Nhật Trường cũng dự báo, mô hình dịch vụ sẽ còn phát triển trong thời gian tới.
Có thể thấy sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/ NĐ-CP đã bước đầu tạo nếp sống văn minh, an toàn cho người dân khi sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm hiện nay đó là các dịch vụ đưa người uống rượu, bia về nhà đều mới hình thành, do đó, rất cần các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể để quản lý dịch vụ này, bảo đảm an toàn cho khách sử dụng dịch vụ.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sau gần 2 tuần có hiệu lực, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã được triển khai nghiêm túc trên toàn quốc. Hiện, người dân rất ủng hộ thực hiện các quy định này. Về các dịch vụ "ăn theo" quy định mới, rất cần có sự quản lý, giám sát theo pháp luật để ngăn ngừa mặt tiêu cực phát sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.