Công nghệ

Xử lý nhiều vi phạm trong lĩnh vực thông tin - truyền thông

Thanh Hà 07/12/2023 - 19:57

Riêng trong ngày 6-12, cơ quan quản lý tần số đã phát hiện 1 vụ dùng xe máy chở BTS giả mạo phát tán tin nhắn lừa đảo tại thành phố Hồ Chí Minh.

toan-canh-hop-bao-thang-12.png
Họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông tháng 12-2023. Ảnh: Đức Huy

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 12 diễn ra chiều nay 7-12, đại diện Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong tháng 11-2023, các đơn vị của Cục Tần số vô tuyến điện đã xử lý 40 vụ vi phạm về sử dụng tần số.

Riêng trong ngày 6-12, cơ quan tần số phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện một vụ dùng xe máy chở thiết bị thu phát sóng giả (BTS) phát tán tin nhắn lừa đảo tại thành phố Hồ Chí Minh.

Việc thanh, kiểm tra các đối tượng sử dụng tần số vô tuyến điện tiếp tục được triển khai nhằm bảo đảm sự chấp hành các quy định pháp luật về tần số. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện một số vụ vi phạm về sử dụng thiết bị vô tuyến điện không có giấy phép, không đúng quy định trong giấy phép…

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP do đặt sản phẩm quảng cáo tại kênh có nội dung vi phạm pháp luật (trước đó tháng 4-2023, WPP cũng đã bị phạt hành chính 15 triệu đồng với hành vi vi phạm tương tự).

Trong ngày 6-12, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần VNG do cung cấp dịch vụ 6 trò chơi điện tử G1 không đúng với nội dung kịch bản đã được phê duyệt. Ngoài ra, VNG còn bị tước quyền sử dụng quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi trực tuyến (Quyết định số 03/QĐ-TCTT ngày 16-1-2009) trong 2 tháng.

Ở lĩnh vực an toàn thông tin, trong tháng 11-2023, Cục An toàn thông tin đã rà soát và ghi nhận 47 trang web bị chèn nội dung quảng cáo (18 website thuộc 7 bộ, ngành, 29 website thuộc 13 tỉnh, thành phố) và đã gửi cảnh báo đến các đơn vị chủ quản để xử lý.

Cũng trong tháng 11-2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 246 bài viết vi phạm; gỡ bỏ 6 tài khoản giả mạo và 66 group vi phạm; gỡ 17 trang quảng cáo, mua bán hóa đơn trái phép; đạt tỷ lệ 90% yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Google đã gỡ 262 video vi phạm trên YouTube, đạt tỷ lệ 96%; gỡ 3 tài khoản có nội dung vi phạm, chứa hơn 11.366 video.

TikTok đã chặn, gỡ 12 nội dung vi phạm (tỷ lệ 92%), xóa 10 tài khoản có nội dung vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nhiều vi phạm trong lĩnh vực thông tin - truyền thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.