Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa bỏ những “dị biệt” trong văn hóa giao tiếp

Lâm Vũ| 30/06/2016 07:53

(HNM) - Nói tục, chửi bậy không phải là một hiện tượng mới ở Hà Nội nhưng gần đây lại đang có xu hướng lan rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân, bao gồm cả học sinh, sinh viên.


Học sinh Trường THPT Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) tham gia cuộc thi về văn hóa ứng xử, chuyên đề Học sinh Thủ đô thực hiện nếp sống thanh lịch - văn minh của người Hà Nội do Sở GD-ĐT phát động. Ảnh: Tô An


Trở thành vấn nạn

Không ít người nhìn nhận, thời gian gần đây, nói tục chửi bậy đã trở thành “mốt”, bởi ở bất cứ nơi nào người ta cũng có thể nghe thấy thứ ngôn từ tục tĩu ấy, từ quán game, hàng nước đến trường học, công sở. Cáu người ta chửi, buồn vui người ta chửi, thậm chí yêu cũng chửi. Việc người dân, đặc biệt là giới trẻ, văng bậy dường như đang trở nên bình thường, như thể không nói bậy thì câu nói thiếu đi sức nặng. Không chỉ văng bậy ở ngoài đời thường, người ta còn thoải mái chửi bậy trên internet, do ở môi trường này, việc nói tục, chửi bậy chẳng mấy ai bị nhắc nhở. Thậm chí trên mạng internet còn hình thành cả "cẩm nang" nói bậy với 5 mức, từ cách dùng từ đệm, chửi theo tên bố mẹ, ông bà người khác, dùng từ ngữ chỉ chỗ kín của cơ thể đến chửi kết hợp… Hàng loạt hội như "Hội những người chửi bậy tứ tung nhưng tôn sùng thánh thiện" với 15.765 lượt thích, "Hội những người chửi có văn hóa" với 72.429 lượt thích, "Hội những người thích chửi bậy bằng tiếng Anh" với 2.944 lượt thích... đã xuất hiện trên mạng xã hội.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, một người có vốn hiểu biết phong phú về Hà Nội, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có thể kể đến môi trường xã hội, cách giáo dục… Gần đây, các nhà trường quan tâm đến điểm số, học sinh giỏi, học sinh tiên tiến nhiều hơn việc giáo dục cách ứng xử cho các em. Trong gia đình, việc mưu sinh ngày càng chiếm nhiều thời gian khiến việc dạy dỗ con cái bị hạn chế phần nào. Bên cạnh đó là việc giáo dục trong cộng đồng đang bị mất dần. Ngày xưa, người lớn ra đường thấy trẻ con nói tục, chửi bậy có thể nhắc nhở, thậm chí trách mắng chúng, dù đó là những đứa trẻ xa lạ và những đứa trẻ ấy nhận lỗi. Nhưng bây giờ, nếu người lớn thấy trẻ con văng tục mà nhắc nhở, rất dễ gặp phải sự phản ứng nên không mấy ai nhắc nhở con trẻ nữa. Mặt khác, ngày trước phần lớn người Hà Nội có lòng tự trọng rất cao, họ xấu hổ nếu nói ra những từ tục tĩu trước mặt người khác, nhất là trước đám đông. PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, hiện có sự nhầm tưởng về giá trị trong suy nghĩ của thế hệ trẻ ngày nay. Nhiều người quan niệm "bỗ bã", "bặm trợn" mới chứng tỏ là người "ăn sóng nói gió", biết làm chủ tình thế, suy nghĩ mạnh mẽ, thể hiện sự chịu chơi.

Hiện tượng nói tục, chửi bậy gây ra nhiều hệ lụy, nó khiến cho cộng đồng trở nên kém văn minh và là tiền đề dẫn đến một xã hội ưa chuộng bạo lực. Mặt khác, khi người lớn có thói quen này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới trẻ em, thậm chí đến việc hình thành nhân cách của chúng. Nguy hiểm hơn, nếu hiện tượng này không được chỉnh đốn kịp thời, dần dần nó mặc nhiên được xã hội chấp nhận.

Cần nhanh chóng chấn chỉnh

Lo ngại trước thực trạng văn hóa ứng xử của người Hà Nội, năm 2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố. Nội dung quy chế yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong giao tiếp, ứng xử phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, trung thực, thân thiện, hợp tác với đồng nghiệp. Năm 2015, TP Hà Nội đã giao Sở VH,TT&DL (nay là Sở VH&TT) phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý cụ thể, nhằm hạn chế những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Sở VH&TT hiện đang soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử áp dụng cho 6 nhóm đối tượng khác nhau trên địa bàn như cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư, nơi công cộng với mong muốn giúp người dân nâng cao ý thức, văn hóa ứng xử nơi công cộng. "Những quy chuẩn thành phố đưa ra, dù không có tính ràng buộc, quy định xử phạt nhưng đối với cán bộ, công chức có tác dụng rất lớn, bởi họ phải tự ý thức được bản thân họ làm ở vị trí này, công tác kia trong bộ máy nhà nước, do đó, không thể ăn nói bừa bãi, kể cả ngoài giờ làm việc và theo thời gian, ý thức về chuyện ăn nói sẽ được nâng lên" - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nhận định.

Hiện tại, một số đơn vị ở Hà Nội đã có những hành động thiết thực nhằm hạn chế tình trạng nói tục, chửi bậy. Chẳng hạn, Trường PTDL Lương Thế Vinh đã ra thông báo "Những điều cấm kỵ khi lên facebook" dành cho học sinh trong trường, trong đó ghi rõ: "Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt. Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt...". Hay như website "Địa chỉ Hà Nội" chuyên cung cấp thông tin về quán ăn "ngon, bổ, rẻ" thì nhấn mạnh tiêu chí lịch sự trong ứng xử của chủ quán và những người phục vụ...

Nói tục, chửi bậy khi đã trở thành vấn nạn của Hà Nội, thì việc chỉnh đốn dẫn đến xóa bỏ nó không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai. Song với quyết tâm của các nhà quản lý cũng như nỗ lực của người dân và cộng đồng, hy vọng rằng tình trạng này sẽ dần được hạn chế.

Ý kiến:
Giữ gìn đường phố sạch đẹp

Một trong những giải pháp xây dựng “Thành phố xanh - sạch - đẹp” là vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Thời gian qua, có thể nói vấn nạn đổ rác, phế thải tràn lan, bất kể thời gian, địa điểm nào trong ngày đã và đang làm xấu đi hình ảnh của một Thủ đô nghìn năm văn hiến. Nguyên nhân, ngoài quy trình thực hiện thu gom rác chưa hợp lý, khoa học thì còn phải kể đến ý thức của người dân. Ở đây, nhiều người vẫn còn thói quen tùy tiện, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung, chỉ vì muốn sạch nhà mà làm bẩn ngõ, đem rác trong nhà mình vứt bỏ hết ra lề đường, ngõ phố dù chưa đến giờ thu gom. Đối với nhiều người đi đường, khi ăn hoa quả, bánh kẹo… tiện đâu vứt rác ngay xuống vỉa hè, lòng đường mà không có ý thức giữ lại, đem đến địa điểm có thùng rác công cộng để bỏ vào.

Chúng ta đang vận động, xây dựng TP Hà Nội trở thành “Thành phố xanh - sạch - đẹp”. Để làm được điều này, mỗi công dân Thủ đô là những “hạt nhân” góp phần vào sự thành công, góp phần thay đổi diện mạo của thành phố. Điều quan trọng hơn là mỗi người cần rèn luyện, tự giác thay đổi tư duy, thói quen, ý thức hơn trong giữ gìn và bảo vệ môi trường từ chính nơi mình đang sinh sống. Nhiều hành động không cần phải đao to búa lớn, mà chỉ đơn giản như: Không vứt rác tùy tiện, không khạc nhổ bừa bãi, viết, vẽ bậy… cũng góp phần giúp cho bộ mặt phố phường đẹp lên. Dù chỉ là hành động thiếu ý thức của một số người, nhưng hành vi ấy cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng, làm xấu đi bộ mặt chung của Thủ đô trong mắt du khách quốc tế. Sự thờ ơ của cộng đồng cũng là nguyên nhân quan trọng dung túng cho những hành vi xấu tiếp diễn. Khi mỗi người có ý thức, khi tập thể có trách nhiệm cùng nhắc nhở, bảo ban giữ gìn đường làng, ngõ xóm sạch đẹp; xây dựng tổ dân phố, khu dân cư “không đổ rác thải bừa bãi” thì thành phố sẽ hết cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan.

Nguyễn Song Vân
(Phố Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa bỏ những “dị biệt” trong văn hóa giao tiếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.