(HNM) - Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng đáng báo động, việc lựa chọn dòng xe ô tô hybrid là lựa chọn tối ưu để hạn chế sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, giảm lượng phát thải...
Phát triển xe hybrid giúp bảo vệ môi trường. |
Chưa rõ tiêu chí, người dùng e ngại
Những năm gần đây, nền công nghiệp xe hơi thế giới liên tục cho ra đời những công nghệ mới, tiến dần tới “xanh hóa” phương tiện giao thông. Trong đó, dòng xe “lai” hybrid sử dụng kết hợp hai bộ truyền động, một động cơ chạy xăng và một mô tơ chạy điện nên tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường luôn được chính phủ nhiều nước như Anh, Pháp, Hà Lan, Thái Lan, Singapore... khuyến khích phát triển.
Tại các quốc gia này, lượng CO2 phát thải vào không khí của "xe xanh" càng giảm thì ưu đãi càng nhiều; trong đó đặc biệt ưu tiên là chính sách thuế - một biện pháp kích cầu trực tiếp. Ví dụ, tại Anh, với việc cắt giảm CO2 từ 20 đến 25%, các dòng hybrid thường được hưởng 3 đến 4 mức thuế thấp hơn so với các dòng xe khác. Còn tại Thái Lan, chính phủ đã đưa ra chính sách ưu đãi thuế cho các dòng xe hybrid với dung tích không quá 3.000cc. Các loại xe này sẽ được hưởng mức thuế 10% - 30% tùy thuộc vào lượng khí CO2 phát thải dưới 100g/km và 101 - 120g/km. Chính phủ Malaysia đã xây dựng chính sách phát triển ô tô với mục tiêu từ năm 2025 thì 100% xe bán ra sẽ là xe sạch và tiết kiệm nhiên liệu...
Ở nước ta, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, xe hybrid cũng được nhận định là lựa chọn tối ưu khi giảm lượng phát thải, hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và không đòi hỏi nhiều đầu tư về cơ sở hạ tầng, như xây các trạm sạc điện, hay các trạm năng lượng thay thế như xe chạy điện (EV), xe hybrid sạc điện (PHEV) hay xe chạy pin nhiên liệu... Tuy nhiên, cho đến nay dòng xe này chưa thực sự phát triển. Thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ năm 2010 đến nay, mới có khoảng 1.229 xe hybrid và 7 xe ô tô điện tại thị trường Việt Nam.
Thực tế đang có nhiều cách hiểu về khái niệm "xe xanh" chạy xăng kết hợp năng lượng điện tại Việt Nam cũng gây những khó khăn nhất định để lĩnh vực này phát triển. Cụ thể, "xe xanh" được hiểu căn cứ theo tỷ lệ sử dụng 70% xăng - 30% điện và phải có hình thức là bộ sạc ngoài. Và theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện nay thì người tiêu dùng cũng không dám đi xe với bộ sạc ngoài, bởi nếu hết điện giữa đường sẽ không có trạm sạc.
Cần chính sách ưu đãi
PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, xe hybrid là một trong những phương tiện sạch có khả năng giảm ô nhiễm, giúp người tiêu dùng tiết kiệm 20 - 30% nhiên liệu so với xe chạy bằng xăng, dầu. Còn TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, Việt Nam nên hòa nhịp chung cùng thế giới, nên định nghĩa về “xe xanh” dựa trên tỷ lệ phát thải CO2 - yếu tố “xanh” cốt lõi - thay vì tỷ lệ xăng/điện như hiện nay. “Xe xanh” cần được sớm đưa vào cuộc sống để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu lớn, như giảm sự phụ thuộc vào xăng, dầu do phải nhập khẩu, giảm ô nhiễm môi trường, tiến tới nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một điểm sáng, đánh dấu bước tiến mới cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi ngày 2-9, Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST của Tập đoàn Vingroup tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) đã được khởi công. Với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực của VINFAST là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.
Giai đoạn đầu, nhà máy sẽ xuất xưởng mẫu xe sedan đầu tiên 5 chỗ, SUV 7 chỗ và xe máy điện theo tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu Châu Âu, công suất dự kiến đạt 100.000 - 200.000 xe/năm. Sản phẩm VINFAST đầu tiên sẽ ra mắt trong vòng 12 tháng tới là xe máy điện và sau 24 tháng là ô tô. VINFAST cũng sẽ hỗ trợ và hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam để cùng sản xuất và phát triển các linh kiện, từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%, làm chủ công nghệ và hướng tới xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.
Đáng chú ý, với chủ trương đón đầu công nghệ và thân thiện với môi trường, VINFAST sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới vào sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn khí thải khắt khe Euro 5.0 và Euro 6.0, đồng thời ưu tiên tối đa sử dụng năng lượng xanh trong quy trình sản xuất tại nhà máy. Công ty cũng chủ động đầu tư dây chuyền xử lý pin và ắc quy đã qua sử dụng để bảo vệ môi trường. VINFAST cho biết, đang hợp tác với các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới để chuyển giao công nghệ như Boston Consulting Group, Magna Steyr, AVL, Durr, Henn…
Tuy nhiên, đánh giá về tương lai của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Vince Socco, Phó Chủ tịch điều hành của Công ty Ô tô Toyota Châu Á - Thái Bình Dương nhận định, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ô tô hóa vào năm 2020. Vì vậy, phải có một giải pháp đồng bộ hơn, mở rộng hơn hướng tới giao thông bền vững, trong đó những chính sách ưu đãi để phát triển xe hybrid là rất cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.