Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe lăn đạp chân giúp bệnh nhân liệt nửa người có thể đi lại được

Gia Phong| 09/12/2016 17:28

(HNMO) - Chiều 9-12, tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã diễn ra lễ tổng kết dự án “Đào tạo nhân lực phục hồi chức năng (PHCN) và phát triển mô hình PHCN sử dụng xe lăn đạp chân tại Việt Nam”. Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển (JPP) của JICA.

Xe lăn đạp chân tại Trung tâm phục hồi chức năng-Bệnh viện Bạch Mai


Được biết, số lượng người khuyết tật tại Việt Nam có xu hướng gia tăng do di chứng của chiến tranh và tỷ lệ tai nạn giao thông cao nên nhu cầu về PHCN cũng tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật PHCN của Việt Nam mới đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, thời gian nhập viện ngắn và chưa đảm bảo được quá trình PHCN. Thông qua việc ứng dụng phương pháp PHCN sử dụng xe lăn đạp chân Profhand (tên thường gọi là COGY) kết hợp tính năng PHCN mang tính duy trì và tiếp nối, hỗ trợ người khuyết tật vận động, hòa nhập xã hội.

Xe lăn đạp chân được đưa vào sử dụng ở Nhật Bản từ năm 2010 với chi phí 3.000 USD/chiếc. Đến nay, tại đất nước này đã có 6.000 xe lăn đạp chân được cung cấp cho người khuyết tật, trong đó ½ cá nhân mua để sử dụng tại nhà. Với mong muốn giúp người khuyết tật Việt Nam PHCN, hoà nhập cộng đồng, phía Nhật Bản cũng đã hỗ trợ 13 xe này cho các cơ sở y tế tại 6 địa phương của nước ta, trong đó có 7 xe được cung cấp cho Trung tâm PHCN-Bệnh viện Bạch Mai. Các xe còn lại được cung cấp cho BV PHCN Hải Phòng, BV PHCN Hà Tĩnh, BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, BV C Đà Nẵng… Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 200 bệnh nhân được sử dụng xe COGY trong PHCN. Khi sử dụng xe lăn thông thường, bệnh nhân không sử dụng chân khiến cho cơ bắp suy yếu dần nhưng với xe COGY, bệnh nhân vừa có thể tự chuyển động bằng đôi chân của mình, vừa có thể rèn luyện để duy trì lực cơ bắp.

PGS.TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm PHCN-BV Bạch Mai cho biết, tại đây có 12 bệnh nhân đang được PHCN bằng xe lăn đạp chân. Khác với những loại xe thông thường dành cho người khuyết tật, xe lăn đạp chân không chỉ giúp họ di chuyển một cách thoải mái không cần sự trợ giúp của người khác mà còn hỗ trợ PHCN hiệu quả cho những bệnh nhân bị liệt nửa người, tai biến mạch máu não, chấn thương cột sống, viêm đa dây thần kinh… Thậm chí, nhiều bệnh nhân bị liệt hai chi dưới không hoàn toàn, khó có thể vận động, đi lại. Nhưng sau khi sử dụng xe này từ 3-6 tháng, họ đã tự đứng lên đi lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xe lăn đạp chân giúp bệnh nhân liệt nửa người có thể đi lại được

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.