Hoa hậu, diễn viên không biết gì về sản phẩm nhưng vẫn quảng cáo vì có… hình ảnh đẹp, do đó, đại biểu Quốc hội cho rằng cần “siết” lại quy định này trong Luật.
Sáng 10-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; nghĩa vụ của người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo (ngoài nghĩa vụ chung được quy định, có một số nghĩa vụ đặc thù); bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.
Đối với quảng cáo xuyên biên giới, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm, trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và thực hiện biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với những quy định cụ thể về “tắt quảng cáo”, để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quy định chi tiết tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với dự thảo Luật về việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí (không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí)”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Thảo luận tại phiên họp, quy định đối với người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đóng góp ý kiến. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, quảng cáo trên nền tảng số với sự tham gia của các KOLs, những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực, ngành, nghề đối với xã hội. Họ là những người truyền cảm hứng, dẫn dắt dư luận, có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của người khác.
Ngoài ra, đại biểu Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng cần có cơ chế quản lý nghiêm đối với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng. Những người này làm trong các cơ quan, tổ chức, khi họ vi phạm quy định quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo sai sự thật thì các cơ quan, tổ chức đó cần có cơ chế quản lý chặt chẽ. Đồng thời, cần sửa đổi quy chế hoạt động nội bộ quy định cụ thể về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi tham gia hoạt động quảng cáo, quy định rõ các hình thức xử phạt. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị xem xét trách nhiệm hội đồng thẩm định, quản lý quảng cáo để đảm bảo các cơ quan liên quan đều có trách nhiệm.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đề nghị có chế tài xử lý nghiêm đối với những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng. Về cơ chế bồi thường với hoạt động quảng cáo sai của người chuyển tải quảng cáo, nhất là người nổi tiếng, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị quy định rõ hơn trong luật. Bên cạnh đó, cần bổ sung nghĩa vụ của người nổi tiếng, phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai của mình...
Với những sự việc người có ảnh hưởng quảng cáo sai sự thật bị phát hiện thời gian qua, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, gốc rễ của vấn đề là khái niệm “người có ảnh hưởng”. Người có ảnh hưởng, ngoài người có trình độ, chuyên môn, năng lực thì còn là những người được công chúng quan tâm như hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên, thậm chí là người tạo “scandal” để có khối lượng người theo dõi lớn trên môi trường mạng.
“Người nào có khả năng chuyên môn thì mới quảng cáo được; một hoa hậu, một diễn viên không biết gì về sản phẩm nhưng vẫn quảng cáo vì có… hình ảnh đẹp, việc họ nắm được chất lượng sản phẩm là rất khó. Trong 4 chủ thể quảng cáo, chủ yếu người ta chỉ quan tâm đến người truyền tải quảng cáo đó”, đại biểu Trịnh Xuân An nói và cho rằng cần siết lại quy định về người có ảnh hưởng quảng cáo sản phẩm.
Tiếp thu, làm rõ ý kiến nêu trên của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sẽ rà soát kỹ và hoàn thiện quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo theo hướng quản lý chặt chẽ và quy trách nhiệm rõ ràng; xử lý, xử phạt nghiêm, mang tính răn đe hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.