(HNM) - Trong thời gian qua, thành phố đã có nhiều biện pháp để xử lý các dự án
Nhiều biến tướng và khó kiểm soát
Vào thời kỳ "bong bóng" bất động sản, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách để có được các khu đất ở vị trí đắc địa để lập dự án xây dựng. Tuy nhiên, do năng lực hạn chế, lại gặp phải thời kỳ thị trường bất động sản “đóng băng” sau đó nên không ít dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. Và rồi, nhiều khu đất như vậy được chủ dự án cho thuê làm ga ra ô tô, tổ chức dịch vụ rửa xe, kho hàng...
Lô đất tại dự án Tòa tháp thiên niên kỷ Hà Tây, số 4 đường Quang Trung - Hà Đông bị bỏ hoang. Ảnh: Hoàng Cư |
Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Hoàng Trung Kiên cho biết, trên địa bàn phường hiện còn các ô đất E3, E4, E5, B2... thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, được thành phố quy hoạch để xây dựng trụ sở làm việc của nhiều đơn vị. Tuy nhiên, đến nay chỉ có Tổng cục Hải quan và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam triển khai xây dựng tại ô E3. Trong đó, dự án của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam có tổng đầu tư lên đến gần 4.000 tỷ đồng, với tòa nhà 35 tầng dự kiến hoàn thành vào quý IV-2017, nhưng đến nay mới dừng ở phần móng.
Cách đó không xa, trên đường Phạm Hùng, Dự án khách sạn Diamond Rice Flower của Tổng công ty Kinh Bắc, với thiết kế cao 100 tầng, cũng nằm trên giấy từ năm 2010 đến nay. Khu đất bỏ hoang này trở thành nơi trồng rau muống và đổ phế thải xây dựng. Dự án tháp tài chính quốc tế (IFT), tại 220 Trần Duy Hưng, với diện tích hơn 13.000m2, cũng trong tình trạng tương tự. Tại quận Hà Đông, dự án tòa tháp thiên niên kỷ Hà Tây, bên đường Quang Trung (quận Hà Đông), với diện tích hơn 6.000m2 cũng bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Đỗ Ngọc Anh, nhiều dự án chưa triển khai bị “xẻ thịt” cho thuê kinh doanh tràn lan gây mất an ninh trật tự và khó khăn cho công tác quản lý đô thị ở địa phương. Vụ cháy kho hàng xảy ra tại ô đất E1.2 đường Phạm Hùng là một ví dụ điển hình. Ô đất này vốn được phê duyệt là dự án tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, nhưng “treo” từ năm 2008 đến nay và chủ đầu tư cho nhiều đơn vị thuê đất làm sân bóng, kho xưởng, ga ra ô tô. Hay tại ô E3, E4, E5 Khu đô thị Cầu Giấy, đơn vị được giao đất ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, song việc quản lý thiếu chặt chẽ nên để xảy ra nhiều sai phạm như: Xây dựng công trình mật độ dày đặc mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, vi phạm trật tự đô thị…; đặc biệt là không bảo đảm quy định phòng chống cháy nổ, dẫn tới xảy ra vụ cháy vào tháng 10-2014.
Thu hồi dự án nếu chủ đầu tư không đủ năng lực
Liên quan đến các dự án “treo”, chậm tiến độ, cuối năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn thanh tra các dự án không sử dụng đất trong 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, chuyển nhượng trái phép. Cơ quan này cũng đề xuất UBND thành phố chỉ đạo: Đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng quá 12 tháng, nhưng có lý do khách quan thì cho phép gia hạn thời gian thực hiện là 6 tháng; giao trách nhiệm cho các sở, ngành chức năng và UBND các quận, huyện, thị xã giám sát theo quy định. Đối với trường hợp chủ đầu tư chây ỳ không thực hiện dự án theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định. Tuy nhiên, để cập nhật kết quả thanh tra và số dự án "treo" đề nghị thu hồi, phóng viên Báo Hànộimới đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng vẫn không nhận được hồi âm (?).
Trước đó, Sở Xây dựng cũng kiến nghị thành phố thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư dự án trên địa bàn mà chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện, để xảy ra tình trạng bỏ hoang, chậm tiến độ...
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, cần phân tích, làm rõ từng dự án chậm trễ, trên cơ sở đó làm căn cứ xác lập danh mục dự án phải thu hồi, để bảo đảm tính khả thi cao hơn. “Cùng với đó, nên bám sát các định hướng phát triển của thành phố, chẳng hạn như quy hoạch vườn hoa, cây xanh, mặt nước từ năm 2014 đã xác định diện tích cần bổ sung trong khu vực nội đô là 687ha, do đó chúng ta đưa ngay một số dự án “treo” vào kế hoạch năm 2017 để đáp ứng phần còn thiếu này, bởi đây là nhu cầu thiết yếu của người dân” - Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm nói.
Theo các chuyên gia, Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ các trường hợp bị thu hồi lại đất được giao. Trên thực tế, các dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, như bị đình chỉ thi công, chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thiếu vốn…, và trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư dự án. Tình trạng các dự án chậm triển khai ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị và lãng phí tiền của. Do vậy, cùng với việc thu hồi đất dự án bỏ hoang cũng phải tính toán phương án sử dụng sau thu hồi sao cho hiệu quả, tránh tình trạng lại giao cho các chủ đầu tư vừa thiếu vừa yếu năng lực sử dụng không hiệu quả và sai mục đích đất đai như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.