Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng và phát triển chuỗi nông sản an toàn: Lợi cả đôi đường

Quỳnh Dung| 28/03/2020 07:24

(HNM) - Hiện nay, Hà Nội đang đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển chuỗi nông sản an toàn nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Việc này lợi cả đôi đường khi không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng bán trên thị trường mà còn nâng cao giá trị sản phẩm.

Mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trứng của Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) mang lại hiệu quả cao.

Hiệu quả thiết thực

Theo ông Đinh Xuân Thủy ở xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa), hiện nay trang trại của gia đình ông cung cấp 0,5 tấn thịt lợn, xúc xích, giò chả/ngày; việc tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, trang trại giảm được các chi phí như: Mua thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… Đặc biệt, sản phẩm thịt sạch đến trực tiếp người tiêu dùng không qua khâu trung gian nên giá bán tương đối ổn định.

Ông Đặng Đình Tiên - Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) cho biết, quy mô chăn nuôi của công ty gồm 20.000 gà hậu bị, 25.000 gà đẻ. Ngoài ra, công ty còn liên kết với 15 trại chăn nuôi vệ tinh của các hộ chăn nuôi tại địa phương. Nhờ tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, trung bình mỗi ngày, công ty cung cấp cho các siêu thị trên địa bàn Hà Nội khoảng 20.000 quả trứng sạch.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình xây dựng và phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản an toàn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, đến nay Hà Nội đã có 138 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và 18 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn của các chuỗi. Việc xây dựng chuỗi không những bảo đảm nông sản sạch cho người tiêu dùng Thủ đô mà còn góp phần đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch trên địa bàn thành phố như: Quy hoạch chăn nuôi, thủy sản, giết mổ, sơ chế, chế biến..., từng bước hình thành các vùng nguyên liệu để doanh nghiệp thu mua sản phẩm phục vụ chế biến và xuất khẩu. Hơn nữa, các chuỗi nông sản an toàn còn làm thay đổi lớn trong nhận thức của các doanh nghiệp, hộ sản xuất về bảo đảm an toàn thực phẩm.

“Mặc dù có rất nhiều lợi ích trong việc xây dựng chuỗi liên kết nông sản, nhưng trong quá trình triển khai còn khó khăn như: Một số chuỗi liên kết chưa chặt chẽ, chưa ổn định; khối lượng, chủng loại sản phẩm của mô hình chưa đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ khiến việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất với doanh nghiệp còn lỏng lẻo; kinh phí đầu tư phát triển sản xuất rau, quả, thịt, cá an toàn còn ít nên khó mở rộng và duy trì mô hình sản xuất theo chuỗi sản phẩm an toàn...” - bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.

100% chuỗi liên kết sử dụng mã QR code

Để khắc phục những tồn tại và tiếp tục phát triển chuỗi liên kết nông sản, theo ông Ngô Văn Cường - chủ cơ sở chăn nuôi lợn ở xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ), Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố hỗ trợ các trang trại, doanh nghiệp phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết. Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn cho người dân để mở rộng quy mô trang trại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho rằng, thời gian tới, Sở NN& PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương để rà soát, củng cố việc xây dựng các chuỗi, đồng thời, mở rộng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn kết hợp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đào tạo kiến thức an toàn thực phẩm cho người tham gia sản xuất. Cùng với đó, huyện tiếp tục vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại chủ động liên kết, hỗ trợ nông dân trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Sở NN& PTNT Hà Nội tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận; tăng cường phát triển chuỗi, xác nhận chuỗi bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, giới thiệu quảng bá đến người tiêu dùng. Đồng thời, Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đưa các hội, đoàn thể đi tham quan nơi sản xuất chế biến, hướng dẫn người tiêu dùng dần thay đổi thói quen sang sử dụng những mặt hàng an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn...

Bên cạnh đó, Hà Nội phát triển mở rộng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR code nhằm minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đến cuối năm 2020 sẽ có 100% chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code; tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt từ 30% đến 50%.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản, ưu tiên sản phẩm rau, thịt, thủy sản, tập trung vào các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm hoặc ngoài danh mục phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản phẩm sơ chế, chế biến nhằm kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý triệt để những cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản làm trái quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng và phát triển chuỗi nông sản an toàn: Lợi cả đôi đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.