Nông nghiệp

Xây dựng thương hiệu nông sản an toàn:Rộng “cửa” thị trường tiêu thụ

Ngọc Quỳnh 03/10/2024 - 07:26

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội tích cực hỗ trợ các địa phương, hợp tác xã duy trì, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, từ đó, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trên thị trường. Nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng của Hà Nội không chỉ tiêu thụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu, mang lại giá trị cao cho nông dân.

chu-vuon.jpg
Sản phẩm “Bưởi tôm vàng” (huyện Đan Phượng) bảo đảm chất lượng và cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc

Nâng cao giá bán nhờ thương hiệu

Năm 2012, “Bưởi tôm vàng Đan Phượng” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Từ đó đến nay, các hộ dân tập trung sản xuất theo hướng an toàn, duy trì thương hiệu, nhờ đó thị trường tiêu thụ ổn định.

Giám đốc Hợp tác xã Bưởi tôm vàng, xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) Nguyễn Quý Thành cho biết, đến nay, 100% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã đã chuyển sang trồng bưởi tôm vàng và cây ăn quả khác, trong đó 152ha trồng bưởi. Để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đơn vị đã tuyên truyền tới các hộ dân đầu tư hệ thống nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nước tự động để chăm sóc vườn cây, sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, vùng bưởi an toàn sinh học của hợp tác xã được dán nhãn QR code truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội. Nhờ chất lượng sản phẩm, mỗi năm, hợp tác xã thu hoạch 500-600 tấn bưởi, thu nhập từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho hay, để giữ gìn thương hiệu “Gạo thơm Bối Khê”, hợp tác xã yêu cầu nông dân tập trung sản xuất theo hướng VietGAP, quy trình khép kín từ cây giống tới sơ chế, chế biến sản phẩm gạo ra thị trường. Theo đó, sản phẩm sau xay xát được đóng gói có logo, nhãn hiệu sản phẩm hoặc đóng bao lớn theo yêu cầu của khách hàng. Trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung ứng ra thị trường 15-20 tấn gạo; vào dịp lễ, Tết có thể lên tới 40 tấn. “Nhờ nỗ lực phát huy giá trị nhãn hiệu tập thể, sản phẩm gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường; sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu”, ông Đỗ Văn Kiên cho biết thêm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng, đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp như: "Nhãn chín muộn Đại Thành" (huyện Quốc Oai), "Gạo thơm Bối Khê" (huyện Thanh Oai), "Chuối Vân Nam" (huyện Phúc Thọ), "Vịt Vân Đình" (huyện Ứng Hòa), “Bưởi tôm vàng” (huyện Đan Phượng)… Sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ đã có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài thành phố. Một số sản phẩm như: Gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai)… đã xuất khẩu với giá bán tăng 15-20% so với khi chưa có thương hiệu. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, còn giúp các hợp tác xã, nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong giám sát chất lượng nông sản trên thị trường từ gốc.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn

Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể nông sản còn khó khăn do một số vùng nông dân vẫn chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất VietGAP, ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bảo vệ thương hiệu nông sản. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ chưa nhiều, không ổn định; khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, gây khó khăn cho sản xuất của nông dân.

Để hỗ trợ các mặt hàng nông sản có thương hiệu mở rộng thị trường tiêu thụ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt cho hay, các đơn vị sản xuất đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất an toàn để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu tập thể. Các ngành chức năng hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực, phổ biến kiến thức, thông tin về quy định an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; đồng thời nâng cao kiến thức sở hữu trí tuệ cho hợp tác xã trong xây dựng, phát triển thương hiệu; hỗ trợ vốn để các hợp tác xã đầu tư áp dụng công nghệ xây dựng nhà kho, sơ chế đóng gói, máy móc, thiết bị trong chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm mang thương hiệu nông sản.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, để xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản chủ lực của Hà Nội, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh xây dựng mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, bền vững gắn với vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất một cách đồng bộ từ khâu chọn giống, chăm sóc, vận chuyển, bảo quản và chế biến... nhằm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm. Hoạt động sản xuất cần bảo đảm thực hiện theo các bộ tiêu chuẩn chất lượng đã được chứng nhận, thúc đẩy áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, bảo đảm tính an toàn của sản phẩm được xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với các bộ, sở, ngành mở các lớp tập huấn trang bị kiến thức về giá trị thương hiệu; nâng cao nhận thức về yêu cầu, tầm quan trọng của xây dựng, phát triển thương hiệu tới người dân vùng chuyên canh đối với hàng nông sản. Qua đó, giúp họ hiểu rõ, nắm bắt thời cơ, đẩy nhanh xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản; hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm qua kênh bán hàng hiện đại, giúp nông sản có thương hiệu, nhãn hiệu ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu nông sản an toàn: Rộng “cửa” thị trường tiêu thụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.