(HNMO) - Ngày 23-3, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp, góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh”.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu và Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hoá của Quốc hội, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam; các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, lãnh đạo một số doanh nghiệp...
15 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ công đoàn đã tập trung thảo luận về thực trạng văn hoá doanh nghiệp hiện nay và giải pháp xây dựng, phát triển văn hoá doanh nghiệp; sự tham gia của người lao động trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp; quan hệ giữa văn hóa doanh nghiệp với việc làm, thu nhập và thực hiện chế độ, chính sách, xây dựng quan hệ lao động.
Theo TS. Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, văn hoá công nhân, tức một thành viên của doanh nghiệp, được hiểu là "văn hóa doanh nghiệp" thẩm thấu trong mỗi người công nhân. Nói ở chiều ngược lại, mỗi người công nhân cùng một lúc sở hữu, thực hành, hưởng thụ văn hóa doanh nghiệp (gồm quan hệ giá trị và hệ thống quy phạm hoạt động). Đó là hai chiều biện chứng của văn hóa công nhân và văn hóa doanh nghiệp. Cũng bởi vậy, văn hoá công nhân cần coi trọng cả hai nội dung (hệ giá trị và hệ thống quy phạm) và tính hai chiều trong quan hệ văn hoá công nhân - văn hóa doanh nghiệp. Chính văn hoá công nhân quyết định sự thành bại của quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, ngược lại văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ văn hoá công nhân và cung cấp lại một môi trường văn hóa doanh nghiệp cho công nhân được hưởng thụ.
Để xây dựng và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp, theo ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần TKG Tae Kwang Vina, Ban Giám đốc Công ty và Ban Chấp hành Công đoàn Tae Kwang Vina đã thống nhất xác định văn hoá doanh nghiệp sẽ được thể hiện thông qua hành vi, niềm tin, thái độ, cách thức xử lý công việc của toàn thể các thành viên từ công nhân, lao động tới lãnh đạo doanh nghiệp.
Vì vậy, muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp, mọi người cần hiểu rõ các nội dung phải thực hiện và lan tỏa. Cụ thể, xác định các trụ cột chính, cần phải lan tỏa trong công nhân lao động gồm: Xây dựng văn hóa an toàn nhằm tạo dựng môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động, an toàn trong sản xuất, di chuyển và sinh hoạt; xây dựng nguyên tắc ứng xử của tất cả các thành viên; tối đa hóa giá trị cho khách hàng thông qua hệ thống kiểm soát chất lượng hoàn hảo và giảm chi phí giá thành; nâng cao phúc lợi cho người lao động bằng các chương trình, chính sách tối ưu cho người lao động; phát triển bền vững doanh nghiệp gắn với trách nhiệm cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.