Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng trường công trong các khu đô thị: Vẫn chờ... nhà nước

Khánh Khoa| 18/11/2013 06:29

(HNM) - Khi triển khai đầu tư, thường công trình hạ tầng bị phân kỳ sang giai đoạn 2 hoặc chuyển cho chủ đầu tư thứ cấp nào đó. Kết quả là khi nhà bán xong, cư dân về ở nhưng chưa có trường học.

Tình trạng chung của nhiều KĐT hiện nay là thiếu trường công lập. Trường học nếu có đều là trường tư, quy mô nhỏ hoặc mô hình trường quốc tế, học phí rất cao. Ở lứa tuổi nhà trẻ hay mẫu giáo, nhiều gia đình có thể gửi trẻ đến trường tư, nhưng khi trẻ đến tuổi chuẩn bị vào lớp 1, muốn học trường công cho quy củ, nền nếp buộc phải tìm những trường học khác khá xa. Nhiều gia đình phải cho con đi học từ rất sớm vì lo tắc đường, muộn giờ làm việc. Nếu các dịch vụ tiện ích khác như siêu thị, phòng khám bệnh có thể tận dụng diện tích tầng 1 các tòa nhà chung cư để mở thì trường học bắt buộc phải đầu tư xây dựng đàng hoàng nên ở nhiều KĐT những lô đất dành cho trường học, nhà trẻ, mẫu giáo vẫn trong tình trạng… cỏ mọc um tùm.

Tình trạng thiếu trường công tại các khu đô thị mới vẫn chưa được khắc phục. Ảnh: Bảo Lâm


Lý giải nguyên nhân trên, lãnh đạo một quận có KĐT mới cho biết, hầu hết những ô đất xây trường học đều được chủ đầu tư chuyển giao cho nhà đầu tư thứ cấp. Nếu không thì chuyển sang giai đoạn 2 dự án, hoặc nhiều khi được quy hoạch vào chỗ khó giải phóng mặt bằng. Còn nhà đầu tư thứ cấp, khi đầu tư xây dựng trường học, cũng phải tính hiệu quả, lợi nhuận nên thường trường học của họ theo mô hình quốc tế, có mức học phí rất cao, không phù hợp với số đông. Nhiều trường hợp nhà đầu tư thứ cấp nhận xong rồi để đó vì khó khăn trong huy động vốn, vì đầu tư trường học không dễ mang lại lợi nhuận nhanh và nhiều.

Theo ông Đào Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý dự án (Sở Xây dựng Hà Nội), vấn đề của các dự án KĐT mới hiện nay là thiếu một đầu mối quản lý. Nói cách khác, có nhiều bộ phận, nhiều cơ quan, nhiều cấp cùng quản lý nên thành ra chồng chéo, dẫn đến lúng túng nơi này tưởng nơi kia làm. Chưa kể tâm lý KĐT đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết có nghĩa bất khả xâm phạm nên gần như bị bỏ lửng, mặc chủ đầu tư. Hệ lụy là có dự án thay đổi cả quy hoạch không ai biết; huy động vốn trước khi đủ điều kiện không ai hay. Nguy hại hơn, tình trạng làm nhà để bán trước, làm trường học sau, thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở hầu hết dự án KĐT gây bức xúc trong dư luận.

Nhìn rộng hơn, việc thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, thiếu sự kết nối giữa KĐT mới với nhau và với đô thị hiện hữu xung quanh là hệ quả của việc phát triển thiếu quy hoạch, kế hoạch và theo phong trào. Nói cách khác, việc đầu tư phát triển dự án KĐT mới, nhà ở giai đoạn qua chủ yếu nhằm mục tiêu thu lợi nhuận, ít quan tâm đến nhu cầu của xã hội hay nhu cầu phát triển một cách bền vững. Cách đây 2 năm, TP Hà Nội đã có cuộc khảo sát và kết quả khiến nhiều người giật mình. Rà soát 10 KĐT, theo quy hoạch có 38 trường học, nhưng mới đưa vào hoạt động 27 trường, trong đó chỉ có 4 trường công lập.

Để khắc phục nguy cơ "trắng" trường học công tại các KĐT mới, TP Hà Nội đã giao cho các sở, ngành kiểm tra, rà soát các KĐT mới. Cụ thể là các lô đất đã giao cho chủ đầu tư thứ cấp đầu tư trường học nhưng chưa triển khai, nếu nhà đầu tư không có khả năng sẽ thu hồi giao địa phương lập dự án đầu tư xây dựng trường công lập. Đối với 10 KĐT trên địa bàn sau khi kiểm tra, thành phố ấn định cụ thể tiến độ triển khai các dự án trường học trong năm 2013-2014. Với các KĐT khác, thành phố rà soát theo hướng, thu hồi các khu đất quá thời hạn 12 tháng nhưng chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, vi phạm quy định sử dụng đất, chuyển nhượng không hợp pháp để ưu tiên xây trường học công. Cùng với đó, UBND TP Hà Nội ban hành quy định buộc các chủ đầu tư phải lập quy chế quản lý đô thị theo quy hoạch, trong đó ấn định cụ thể tiến độ đầu tư công trình hạ tầng xã hội và không được phép bán nhà ở nếu chưa có hạ tầng.

Ông Đào Anh Tuấn cho biết, hiện nay các dự án trường học đã giao cho địa phương làm chủ đầu tư đều đang được triển khai. Những trường hợp đã giao cho nhà đầu tư thứ cấp, qua kiểm tra, Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư KĐT có trách nhiệm đôn đốc và lập kế hoạch thực hiện cụ thể.

Tuy nhiên, có lẽ không hy vọng gì nhiều ở các nhà đầu tư, bởi chính họ cũng đang gặp khó khi bất động sản "đóng băng", hàng ế, hàng tồn không bán được. Vì vậy, việc xây dựng trường học cho các khu đô thị hiện nay có lẽ vẫn phải ngóng trông vào sự đầu tư của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng trường công trong các khu đô thị: Vẫn chờ... nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.