(HNMO) - Ngày 23-4, UBND huyện Phúc Thọ phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã tiêu dùng Việt Nam (VCCU) tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã, xây dựng chuỗi bán hàng tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay”. Thông tin tại diễn đàn, Phúc Thọ cho biết sẽ từng bước xây dựng huyện thành trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản, hàng tiêu dùng...
Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết: Phúc Thọ có 7 làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận. Trên địa bàn huyện có 13 chợ, 48 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Đặc biệt, Phúc Thọ có gần 7.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Huyện đang tập trung chuyển đổi, tái cơ cấu, đưa các loại cây, con giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Huyện xây dựng, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Đề án phát triển làng nghề hoa - cây cảnh gắn với du lịch sinh thái ở xã Tích Giang; Đề án phát triển hoa chất lượng cao ở xã Tam Thuấn… Đến năm 2022, huyện Phúc Thọ đã có 55 sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn. Trong sản xuất nông nghiệp, Phúc Thọ chưa xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm; sản xuất nông nghiệp chủ yếu là quy mô hộ, nhỏ lẻ; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ qua các chuỗi, tiêu thụ trong siêu thị và qua kênh thương mại điện tử còn thấp…
Đáng chú ý, Phúc Thọ hiện có 48 hợp tác xã nông nghiệp nhưng có tới hơn 70% số hợp tác xã xếp loại trung bình và yếu, không phát huy được vai trò kinh tế tập thể, trong đó có 7 hợp tác xã ngừng hoạt động.
Mục tiêu của Phúc Thọ xác định những năm tới là xây dựng nông thôn mới điển hình tiên tiến, kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp. Do vậy, huyện chú trọng thúc đẩy liên kết hợp tác sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn theo quy hoạch với quy trình an toàn, hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật; xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu.
Với điều kiện là cửa ngõ vào trung tâm thành phố, Phúc Thọ định hướng từng bước xây dựng trở thành huyện nòng cốt trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng hóa tiêu dùng, trở thành trung tâm kết nối, tiêu thụ nông sản, hàng tiêu dùng...
Khó khăn của Phúc Thọ cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trên địa bàn thành phố hiện nay. Theo bà Nguyễn Thị Anh Đào, Phó Chủ tịch VCCU - tổ chức kinh tế hoạt động theo Luật Hợp tác xã Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã tiêu dùng Việt Nam ra đời với mục đích kết nối thực hiện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng và bảo vệ người tiêu dùng. Với vai trò kết nối đó, VCCU xác định bán lẻ có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng cả ở góc độ sản phẩm đầu ra và yếu tố đầu vào. VCCU xây dựng chuỗi bán lẻ với tem “Vân niêm phong” - tem đối chứng dựa trên cơ sở vân tay để chống hàng giả. Các tem này được dán lên sản phẩm bên cạnh mã QR, giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Về tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế hợp tác, theo Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đăng Văn Thanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng dự thảo Luật hợp tác xã sửa đổi trình Quốc hội thông qua. Luật sửa đổi sẽ khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi, tạo động lực cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.