Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nông thôn mới về đích trước 1 năm

Mai Hữu| 20/10/2020 17:26

(HNMO) - Chiều 20-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe các báo cáo của Quốc hội và Chính phủ về công tác đối ngoại, ngân sách, phát triển kinh tế, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua. Trong đó, Chính phủ khẳng định, chương trình xây dựng nông thôn mới đã về đích trước 1 năm so với kế hoạch Quốc hội giao.

Kế hoạch tài chính 2016-2020 cơ bản đạt và vượt nhiều mục tiêu đề ra

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự ước cả năm, thu ngân sách nhà nước đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Quốc hội.

Ước thực hiện tổng chi ngân sách nhà nước năm 2020 là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán. Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chính phủ dự kiến tổng thu ngân sách là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 1.687 nghìn tỷ đồng, bội chi 343,67 nghìn tỷ đồng.

Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, Chính phủ cho rằng đã cơ bản đạt và vượt nhiều mục tiêu đề ra như về tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước từ tổng sản phẩm trong nước (GDP); về cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước đã tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách; bội chi, nợ công so với GDP thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Về dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự báo mức tăng trưởng 6,5-7% của giai đoạn 2021-2025. Về đề xuất tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 7,8 triệu tỷ đồng và chỉ tiêu tăng thu nội địa bình quân khoảng 8,8%/năm. Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 15-16% GDP. Đồng thời, Chính phủ thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, tiết giảm mạnh chi thường xuyên, phấn đấu đạt khoảng 61% tổng chi ngân sách nhà nước đến năm 2025.

Sẽ hoàn thành 15/22 mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, đến năm 2020, dự kiến 15 trong số 22 mục tiêu được giao hoàn thành và có khả năng hoàn thành (chiếm gần 68,2%). Trong đó, 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra, góp phần tạo được bước tiến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Trong số 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành, 2 mục tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ nợ xấu đều được đánh giá có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2019 nhưng do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên có thể không hoàn thành trong năm 2020...

Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua với tổng mức vốn đầu tư tối đa là 2 triệu tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách trung ương là 1.120.000 tỷ đồng (vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.

Tổng số dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 khoảng 11.100 dự án, trong đó có 9.152 dự án hoàn thành (gồm 1.798 dự án đã hoàn thành giai đoạn trước), bằng 83,2% tổng số dự án đã được giao kế hoạch trung hạn. Số dự án khởi công mới từng năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm dần, số vốn bố trí bình quân cho một dự án kế hoạch năm sau cao hơn năm trước, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Cũng theo báo cáo, dự kiến, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2,75 triệu tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương là 1.380.000 tỷ đồng (vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 1.080.000 tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương là 1.370.000 tỷ đồng, sau khi để lại 10% dự phòng chung 137.000 tỷ đồng, còn lại 1.233.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Gần 3 triệu tỷ đồng được huy động để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành và về đích trước 1 năm so với mục tiêu Quốc hội giao.

“Đến hết tháng 8-2020, cả nước có 5.350 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 60,23%), tăng 3.818 xã so với cuối năm 2015 và vượt 10,23% so với mục tiêu 5 năm; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 2,75%, bình quân trong giai đoạn 2016-2020 giảm khoảng 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%, bình quân trong 5 năm giảm 5,65%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội giao.

Trong 5 năm qua đã huy động được một nguồn lực rất lớn, khoảng 2.965.199 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá, kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Công tác quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn này được thực hiện thống nhất, đồng bộ từ trung ương tới địa phương.

Về công tác đối ngoại trong Năm Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định, việc đảm nhiệm Năm Chủ tịch AIPA 2020 và tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 là điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV. Cùng với thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm 2020 của Việt Nam như Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành công của Đại hội đồng AIPA 41 đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới về đích trước 1 năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.