(HNM) - Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về
Dù gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc quyết liệt từ thành phố đến cơ sở, trong đó đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của mỗi người dân địa phương, Chương trình đã đạt được kết quả toàn diện, tích cực, cán "mốc" nhiều mục tiêu đã đặt ra. Đây là nền tảng quan trọng, tạo đà cho xây dựng NTM Hà Nội những năm tiếp theo.
Nhà Văn hóa thôn Đại Áng, xã Đại Áng là một hạng mục trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Trì. Ảnh: Bá Hoạt |
Vượt qua khó khăn, thách thức
Dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong giai đoạn 2011-2015, nhưng triển khai thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội vẫn đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Điều này thể hiện ở chỗ, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản còn hạn chế.
Tuy chỉ còn 185/386 xã (chiếm 47,93%) của Hà Nội chưa đạt chuẩn NTM nhưng đây đều là xã khó khăn, xa trung tâm, các tiêu chí chưa đạt cần nhiều kinh phí và khó làm như: Môi trường, cơ sở vật chất trường học, nước sạch nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập… Nổi lên rõ nhất là vấn đề môi trường, một số nơi xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng, tập trung ở các làng nghề chế biến nông sản và trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau dồn điền đổi thửa, việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nông nghiệp cho các hộ dân vẫn còn chậm. Đầu năm 2016, chỉ có 4 huyện gồm Ứng Hòa, Đan Phượng, Thường Tín và Phú Xuyên cấp được 187.376 giấy, đạt 29,7%. Sự chậm trễ này gây khó khăn lớn cho nhân dân khi đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Đời sống người dân ở nhiều nơi vẫn khó khăn, có sự chênh lệch lớn giữa nông thôn và thành thị, giữa nông thôn đồng bằng và miền núi. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch mới đạt 35,5%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo tiêu chí nghèo mới chiếm 4,6%…
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức ấy, năm 2016, Chương trình 02 của Thành ủy đã đạt được những thành tích khá ấn tượng: Tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn thành phố đạt gần 8.160 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 7.328 tỷ đồng; vốn huy động ngoài ngân sách từ doanh nghiệp, HTX và nhân dân đóng góp là gần 830 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 239 triệu đồng/ha, tăng 6 triệu đồng so với năm 2015; thành phố có thêm huyện Đông Anh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; 54 xã hoàn thành các tiêu chí để công nhận đạt chuẩn NTM; 131 xã còn lại, có 88/386 xã (chiếm 22,8%) đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 42/386 xã (chiếm 11,14%) đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chỉ còn xã Ba Vì, huyện Ba Vì mới đạt và cơ bản đạt 8 tiêu chí.
Có thể thấy rõ, cùng với việc đạt các chỉ tiêu, đời sống nông dân ngoại thành không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 36 triệu đồng/người/năm. Nếu như đầu năm, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) khu vực nông thôn còn 4,6% thì đến cuối năm đã giảm còn 3,65%.
Khí thế mới...
Bước sang giai đoạn mới, nhận thức rõ thời cơ và thách thức, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình 02 do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng ban; UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 6-10-2016 thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy và xây dựng chi tiết nhiệm vụ cho từng năm, từng tiêu chí, từng địa phương.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy đặc biệt quan tâm là tháo gỡ vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Theo đó, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành chỉ thị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Thành phố đã thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của sở, ngành liên quan nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp cách làm theo hướng đơn giản, cải cách thủ tục hành chính để dễ thực hiện. Tổ công tác liên ngành đã xuống từng huyện, thị xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Nhờ vậy, đến cuối năm 2016, Hà Nội đã cấp được 602.963/629.452 giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa cho các hộ dân, đạt 95,8%.
Công tác tuyên truyền cũng được Ban Chỉ đạo Chương trình 02 chú trọng. Các lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở về xây dựng NTM được đồng loạt tổ chức ở tất cả các huyện, thị xã và trên phương tiện thông tin đại chúng của thành phố... Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giúp nông dân giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các quận tích cực hỗ trợ các huyện nguồn lực xây dựng NTM. Trong năm 2016, đã có 7/12 quận (Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Tây Hồ) cam kết hỗ trợ các huyện 70 tỷ đồng.
Chương trình 02 của Thành ủy đạt kết quả cao đã và đang tạo khí thế phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đây là thời cơ, nền tảng để thành phố thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đề ra.
Năm 2016, trên địa bàn thành phố nổi lên nhiều xã đạt kết quả cao trong xây dựng NTM, điển hình như: Xã Chương Dương (huyện Thường Tín) cơ sở hạ tầng phát triển tốt với 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia, các thôn đều có nhà văn hóa, khu thể thao... Trong xã, có một hộ gia đình đã tự nguyện đóng góp 2,5 tỷ đồng làm một tuyến đường xóm và lắp đặt hệ thống chiếu sáng; tại xã Đại Thành (huyện Quốc Oai), đã quy hoạch đất nông nghiệp chuyển sang trồng nhãn muộn với tổng diện tích 170ha. Nhiều hộ trồng nhãn muộn trở thành tỷ phú. Minh Phú |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.