Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nguồn lực lao động thời kỳ hậu Covid-19: Mục tiêu cấp bách

Hoàng Linh| 03/05/2022 06:52

(HNM) - Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất đối với thị trường việc làm toàn cầu kể từ thời kỳ đại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước đến nay. Trong bối cảnh các nước đang nỗ lực theo đuổi tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, việc có thể bảo đảm nguồn lao động đủ chất lượng trở nên cấp bách, đòi hỏi những giải pháp mang tính toàn diện, bền vững.

Trước tác động của dịch Covid-19, tình trạng thất nghiệp ở nhiều quốc gia tăng cao. Theo thăm dò năm 2021 của Viện Gallup (Mỹ), hơn 65% số người được hỏi tại 57 quốc gia cho biết đã phải nghỉ làm một thời gian vì dịch bệnh. Trong 300.000 người thuộc diện thăm dò tại 117 quốc gia, cứ 2 người thì có 1 người bị sụt giảm thu nhập do đại dịch.

Trong bối cảnh đó, đà phục hồi kinh tế như hiện nay trở thành cơ hội không chỉ để tái thiết thị trường lao động, mà còn đẩy mạnh cấu trúc lại ngành nghề theo hướng bền vững, chống chịu hiệu quả trước những cú sốc trong tương lai. Hướng đi này gặp thuận lợi khi thị trường lao động ở nhiều nước ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực. Một số lĩnh vực phục hồi nhanh như giao hàng, thương mại điện tử, y tế… đòi hỏi đáng kể lượng lao động mới. Nhật Bản, New Zealand… hiện chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục. Tại Ấn Độ, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính, nhân sự đã tăng 6% trong tháng 3-2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, giá dầu cao kết hợp đà phục hồi kinh tế khiến thị trường lao động Trung Đông, Bắc Phi trở nên đặc biệt hấp dẫn. Cùng với đó, sự gắn kết ngày càng chặt chẽ của kinh tế toàn cầu đã tạo ra cơ hội việc làm. Đơn cử là các thỏa thuận thương mại tự do đa phương như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - được dự báo lần lượt mang lại 2,6 triệu và 1,5 triệu việc làm mới cho các nền kinh tế thành viên.

Dĩ nhiên, nỗ lực củng cố nguồn lực lao động sẽ có thách thức, khi hàng loạt nguy cơ mới đang khiến sự phục hồi kinh tế của nhiều khu vực trở nên khó đoán định. Xung đột Ukraine chưa có hồi kết dẫn tới nhiều bất định về an ninh lương thực, năng lượng, tài chính... Đợt lây nhiễm Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc cũng làm chậm lại tiến trình hồi phục của nhiều nền kinh tế. Một số động lực tăng trưởng truyền thống như du lịch, vận tải và dịch vụ chưa phục hồi ngay.

Do đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder cho rằng, sự hồi phục của thị trường lao động toàn cầu trong năm nay sẽ vẫn chậm hơn dự báo. ILO hiện vẫn duy trì dự báo 5,9% người lao động thế giới (khoảng 207 triệu người) thất nghiệp trong năm 2022. Mức này khả quan hơn so với 2 năm qua, nhưng cao hơn con số 186 triệu người của năm 2019.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, thế giới cần chú trọng giải quyết nhu cầu của nhóm người dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch; hỗ trợ doanh nghiệp; tạo việc làm và thu nhập phải được coi là trọng tâm của các chiến lược tái thiết kinh tế hậu đại dịch. Bên cạnh đó, tiến trình hồi phục bền vững của thị trường lao động phải chú trọng nguyên tắc: Công việc tốt; bảo đảm y tế, bình đẳng, an sinh xã hội và đối thoại xã hội. Sự phối hợp 3 bên giữa nhà tuyển dụng, người lao động và chính phủ có vai trò cốt lõi, nhằm bảo đảm các biện pháp của chính phủ được người sử dụng lao động và người lao động ủng hộ.

Nhìn chung, việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng, phù hợp cần được ưu tiên trước nhất nhằm bảo đảm thế giới có thể phục hồi bền vững và thực chất, dù đây chắc chắn sẽ là một chặng đường dài với nhiều thách thức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nguồn lực lao động thời kỳ hậu Covid-19: Mục tiêu cấp bách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.