(HNM) - Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Phải chú trọng đẩy mạnh hơn việc xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước…”.
Yêu cầu này được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế - xã hội nước ta nói riêng. Trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều lĩnh vực bị đình trệ do đứt gãy nguồn cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi quan điểm ưu tiên yếu tố giá rẻ, chuyên môn hóa tuyệt đối. Việc đặt vật tư, nguyên liệu, sản phẩm ở nơi có giá thấp nhất được thay bằng nguyên tắc tại chỗ, ít nhất là tự chủ về mặt hàng thiết yếu, tránh bị động về nguồn cung. Doanh nghiệp chuyển sang hoạt động lưỡng dụng, sản xuất các mặt hàng cần thiết khác bên cạnh sản phẩm chính... Cơ cấu kinh tế từng vùng cũng phải tính toán, điều chỉnh, bố trí hợp lý những dịch vụ thiết yếu, nhằm duy trì sự ổn định. Nói cách khác, xây dựng nền kinh tế tự chủ tránh sự phụ thuộc bên ngoài luôn là vấn đề thường trực. Và bối cảnh thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh như hiện nay khiến việc xây dựng nền kinh tế tự chủ càng phải đẩy nhanh.
Trải qua 75 năm kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời và hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ nước nghèo, Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ phát triển nhanh, hội nhập sâu rộng, có tiếng nói và vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao. Trong 4 năm đầu nhiệm kỳ 2016-2020, tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức cao, song năm 2020 đã suy giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh. Kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước còn hoạt động kém hiệu quả. Kinh tế tư nhân phát triển nhanh nhưng chưa bền vững. Ngoài câu chuyện đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm do thế giới phong tỏa vì dịch Covid-19, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 50% giá trị sản xuất công nghiệp và 65% kim ngạch xuất khẩu cho thấy kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài.
Nhìn rộng hơn, chủ quyền kinh tế cùng với chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền chính trị, văn hóa… chính là chủ quyền quốc gia. Trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, một vấn đề hết sức cơ bản là độc lập về chính trị phải đi đôi với độc lập về kinh tế. Để giữ vững chủ quyền quốc gia, không thể không xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nghị quyết hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng đã đề ra chủ trương: “Xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền kinh tế có khả năng tự chủ cao…”. Nghị quyết hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “… Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế…”.
Nói như vậy không có nghĩa, một nền kinh tế tự chủ, độc lập là hoàn toàn đóng cửa. Ngược lại, trong xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa, sự chủ động chuẩn bị, thích ứng là yếu tố quan trọng để biến thách thức thành cơ hội phát huy nội lực, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, xây dựng nền kinh tế tự chủ. Thay vì trông chờ từ bên ngoài là sự chủ động chọn lọc các chương trình, dự án chất lượng cao, phục vụ đúng mục tiêu, yêu cầu phát triển bền vững của nền kinh tế, phù hợp với lợi ích của quốc gia và đặc biệt là góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Trở lại với những tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, muốn xây dựng nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc từ bên ngoài, phải đề cao nội lực, đó là thị trường nội địa với gần 100 triệu dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt. Các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế, cùng thị trường nội địa đang là dư địa để doanh nghiệp vững vàng tâm thế vượt khó, khôi phục sản xuất, kinh doanh giữ đà tăng trưởng kinh tế cho đất nước.
Song xa hơn, cộng đồng doanh nghiệp còn mang tâm thế là lực lượng nòng cốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã, đang nỗ lực hoàn thiện các thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, khơi dậy niềm tin. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải không ngừng khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng một nền kinh tế tự chủ và nước Việt Nam hùng cường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.