(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND về kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2023. Triển khai kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, quận, huyện, thị xã sẽ đẩy mạnh kiểm tra việc khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong chỉ số cải cách hành chính năm 2022, nỗ lực xây dựng một nền hành chính phục vụ, vì dân...
Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà:
Tăng cường kiểm tra đột xuất
Xác định rõ kết quả kiểm tra cải cách hành chính là căn cứ quan trọng để xác định chỉ số cải cách hành chính nên quận Hà Đông tập trung chỉ đạo hoạt động kiểm tra bảo đảm đúng pháp luật, chính xác, khách quan, trung thực.
Trên cơ sở Kế hoạch số 61/KH-UBND, quận tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; tăng cường kiểm tra đột xuất, xác định rõ địa chỉ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý nhà nước trên địa bàn, lĩnh vực được giao theo dõi, phụ trách. Hoạt động kiểm tra tập trung vào tổ chức thực hiện và kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, kết luận, chỉ đạo của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố; việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, tập trung vào nhiệm vụ được xác định trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của cơ quan, đơn vị (tính đến thời điểm kiểm tra).
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều:
Tập trung khắc phục triệt để các tồn tại
Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 61/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của huyện Mỹ Đức bảo đảm theo nguyên tắc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy định, quy chế làm việc của Chính phủ, của UBND thành phố, trong đó tập trung khắc phục triệt để các tồn tại của năm 2022. Huyện yêu cầu các xã, thị trấn niêm yết đầy đủ số điện thoại, email tại bộ phận “một cửa” để người dân trực tiếp liên hệ khi gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính; đẩy mạnh chỉ đạo nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; thường xuyên kiểm điểm tiến độ, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2023.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật TNHH quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì:
Việc kiểm tra cần tiến hành thường xuyên, liên tục
Cải cách hành chính được xem là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được những mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình phát triển của mỗi địa phương. Thông qua công tác cải cách hành chính, những rào cản về thủ tục hành chính đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân sẽ được dỡ bỏ... Song song với đó, việc kiểm tra công tác cải cách hành chính là rất cần thiết và quan trọng. Thông qua kiểm tra sẽ đánh giá những nội dung chưa làm được, những hạn chế, từ đó tìm ra nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ trong tổ chức thực hiện; xác định những vấn đề, nội dung cần tập trung chỉ đạo hoặc điều chỉnh, bổ sung… Việc kiểm tra cần tiến hành thường xuyên, liên tục để bảo đảm công tác cải cách hành chính được tiến hành hiệu quả, thực chất, đạt chất lượng cao.
Bà Hoàng Kim Dịu, thôn Tuân Lề, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh:
Củng cố lòng tin của nhân dân
Kết quả kiểm tra cải cách hành chính là căn cứ quan trọng nhằm xác định chỉ số cải cách hành chính cấp sở và cơ quan tương đương; chính quyền cấp quận, huyện... Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách hành chính là một trong những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền nhằm phục vụ kịp thời các nhu cầu chính đáng của tổ chức, công dân. Qua kiểm tra sẽ giúp phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức cửa quyền, sách nhiễu trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính; đồng thời giúp củng cố lòng tin của nhân dân vào chính sách của Đảng, Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Thêu, Khu đô thị Vincom Ocean Park, huyện Gia Lâm:
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về cải cách hành chính
Từ nội dung Kế hoạch số 61/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội có thể thấy, thành phố đặc biệt quan tâm đến nâng cao chất lượng cải cách hành chính. Việc kiểm tra được xác định rõ từ mục đích, yêu cầu đến nội dung. Hình thức kiểm tra rất đa dạng, không chỉ trực tiếp và qua báo cáo, việc kiểm tra còn được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý, bảo đảm công tác kiểm tra đạt kết quả chính xác nhất. Ngoài ra, thành phố còn tăng cường kiểm tra đột xuất, không báo trước; kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra cải cách hành chính của UBND cấp huyện đối với các phòng, ban trực thuộc và UBND cấp xã. Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng, qua kiểm tra, đội ngũ công chức, viên chức và người lao động tại các đơn vị sẽ ngày càng nâng cao nhận thức, trách nhiệm về cải cách hành chính, phát huy hiệu quả giải quyết công việc với các tổ chức, cá nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.