(HNMO) - Sáng 11-10, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) và Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learm) tổ chức hội thảo “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Hành động của chính quyền và người dân”.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tại Hà Nội, từ trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 10-2019, chất lượng không khí Hà Nội nhiều ngày ở mức kém. Có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn trong giới hạn cho phép. Các khoảng thời gian ghi nhận giá trị bụi mịn PM2.5 tăng/duy trì ở mức cao thường là đêm và sáng sớm.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chỉ rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội phụ thuộc nhiều vào yếu tố khí tượng và nguồn phát thải của thành phố, khu vực lân cận. Các đại biểu cho rằng, Hà Nội cần kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm, đặc biệt là nguồn gốc gây bụi PM2.5 để có giải pháp tháo gỡ.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường nói chung, không khí nói riêng. Từ năm 2017, Hà Nội đã lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí (trong đó có 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến).
Hiện 10 trạm quan trắc này hoạt động ổn định, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường hằng ngày và cập nhật công khai. Theo lộ trình, đến năm 2020, Hà Nội tiếp tục đầu tư thêm 33 trạm, xe quan trắc.
Hà Nội cũng tập trung đưa cơ giới hóa vào công tác vệ sinh môi trường như: Xe quét rác, xe gom rác làm giảm bụi và rác tồn đọng. Tại các khu xử lý chất thải rắn trong quá trình đóng bãi, thành phố đầu tư dự án đốt rác phát điện. Hà Nội cũng triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh...
Xác định ô nhiễm không khí còn từ các nguồn dân sinh như: Đun bếp than tổ ong, đốt rơm rạ trên đồng ruộng, để giảm ô nhiễm không khí, Hà Nội đã xây dựng các chương trình hạn chế, tiến tới không đun than tổ ong, không đốt rơm rạ trên đồng ruộng đến 2020.
Tuy nhiên, việc giải quyết ô nhiễm không khí ở Hà Nội còn rất nhiều khó khăn, là quá trình bền bỉ, lâu dài, cần nỗ lực hơn nữa từ cơ quan quản lý, trách nhiệm của mỗi cá nhân...
Hà Nội thực hiện rửa đường khi thời tiết hanh khô, nhiệt độ cao để giảm bụi
Tại hội thảo, trước câu hỏi của đại biểu đề nghị làm rõ việc Hà Nội dừng hạng mục tưới nước rửa đường trong 3 năm qua có phải là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm trên địa bàn hay không, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, trước đó, từ năm 2016, để tiết kiệm ngân sách và đẩy mạnh cơ giới hóa trong công tác vệ sinh môi trường, thành phố đã nhập hơn 100 xe hút bụi, quét rác và dừng hạng mục tưới nước rửa đường.
Theo tính toán, mỗi chiếc xe quét rác, hút bụi hoạt động đạt hiệu quả bằng 12 công nhân làm việc. Qua việc cơ giới hóa, mỗi năm thành phố sẽ không phải chi khoảng 70 tỷ đồng cho việc tưới nước, rửa đường.
Thực tế, việc quét rác, hút bụi bằng xe cơ giới đem lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, với đặc điểm của Hà Nội có hai mùa hanh khô, nóng ẩm, mật độ bụi cao nên tại cuộc họp giao ban tháng 3-2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ đạo khôi phục việc rửa đường. Theo đó, đơn vị môi trường sẽ dùng xe chuyên dụng để rửa đường khi thời tiết hanh khô, nhiệt độ cao nhằm giảm bụi hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.