(HNM) - Cả 6 thôn của xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) đều được công nhận làng nghề, trong đó có 5 thôn: Cầu Bầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Thượng, Phú Lương Hạ và Đạo Tú sản xuất tăm hương.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 tấn vầu, tre, nứa được chuyên chở về xã để sản xuất tăm hương. Tính bình quân 100kg nguyên liệu thu được 25kg tăm hương thành phẩm, còn lại là phế liệu... Mỗi ngày, các xưởng sản xuất tăm của xã thải ra hàng trăm tấn mùn vầu, tre, nứa và được bán cho nơi sản xuất củi, giấy. Nhưng khi không có đơn vị thu mua, lượng phế liệu trên địa bàn xã chất đống, ùn ứ. Lúc đó, người dân đổ bừa bãi mùn vầu, tre, nứa ra kênh, ao hay bãi đất trống gây mất mỹ quan và ô nhiễm nghiêm trọng môi trường khu dân cư. Thậm chí, khi lượng mùn tồn quá nhiều, người dân đóng vào bao tải, đem ra cánh đồng đốt.
Phế liệu đổ bừa bãi ven đường 429, đoạn qua thôn Phú Lương Thượng, xã Quảng Phú Cầu. |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhuận, khoảng 2 năm trở lại đây, lượng mùn vầu, tre, nứa ùn ứ trên địa bàn xã giảm vì có khoảng 40 hộ gia đình có lò sấy nguyên liệu. Các lò này giúp "tiêu thụ" hàng chục tấn phế liệu mỗi ngày để sấy vầu, góp phần giảm khó khăn trong quá trình xử lý nguyên liệu và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, lại xuất hiện bất cập là những lò sấy thủ công, nằm xen lẫn trong khu dân cư, ống khói thấp nên hơi nóng, khói cùng tro bụi gây ô nhiễm môi trường. Không những thế, chất lượng sản phẩm từ lò sấy thủ công không đồng đều và không an toàn do nguyên liệu dễ bị bén cháy, gây thiệt hại cho người sản xuất…
Qua tìm hiểu, được biết nếu lò sấy áp dụng công nghệ hơi nước sẽ không gây ô nhiễm, nhưng chi phí cao, nên người dân Quảng Phú Cầu chủ yếu xây dựng lò sấy thủ công. Để đầu tư xây dựng lò sấy hơi nước gồm máy móc, nhà xưởng, vật liệu… tốn tới hơn 400 triệu đồng, trong khi lò sấy thủ công chỉ khoảng 100 triệu đồng nên hiện nay trên địa bàn xã Quảng Phú Cầu chỉ có duy nhất 1 lò sấy hơi nước của gia đình anh Lê Văn Biểu - chủ cơ sở sản xuất tăm hương ở xóm 5, thôn Phú Lương Thượng. Còn lại, hàng chục lò sấy thủ công trên địa bàn Quảng Phú Cầu vẫn đang ngày đêm "nhả" khói bụi ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ. Nhiều năm qua, "bài toán" hóc búa khó tìm lời giải ở Quảng Phú Cầu vẫn là làm thế nào để xử lý phế liệu và ô nhiễm môi trường làng nghề?
Theo ông Nhuận, nếu được các sở, ngành chức năng thành phố quan tâm, có giải pháp đầu tư vốn, các xưởng sản xuất tăm hương có điều kiện xây dựng và nhận chuyển giao công nghệ lò sấy hơi nước, sẽ góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường bởi phế liệu, phế thải làng nghề ở Quảng Phú Cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.