(HNM) - Nguyên tắc đầu tiên trong 5 nguyên tắc bảo hiểm y tế là: Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế. Vì vậy, người tham gia càng nhiều, sự sẻ chia càng lớn; khả năng bảo đảm an sinh xã hội bằng Quỹ Bảo hiểm y tế (với sự bảo hộ của Nhà nước) càng cao.
Bảo hiểm y tế được xem là một trụ cột chính của an sinh xã hội cũng vì ý nghĩa ấy.
Thực tế, chính sách bảo hiểm y tế từ khi hình thành đến nay, đặc biệt là trong 10 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế đã giúp giảm đáng kể gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh cho người dân.
Đối với những bệnh nguy hiểm, điều trị tốn kém, bảo hiểm y tế trở thành phao cứu sinh thực sự giúp người bệnh chi trả dịch vụ, chi phí thuốc có giá trị lớn để yên tâm điều trị. Bảo hiểm y tế cũng mang lại niềm hy vọng cho những đối tượng khó khăn vì mắc bệnh thận, HIV/AIDS… Tính riêng năm 2018 đã có khoảng 50 trường hợp điều trị các bệnh khác nhau, được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ 400 triệu đồng đến 4,7 tỷ đồng/bệnh nhân. Tại Hà Nội, cũng trong năm 2018, Quỹ Bảo hiểm y tế đã thanh toán hơn 20 tỷ đồng tiền khám, chữa bệnh cho 20 bệnh nhân…
Như vậy, bảo hiểm y tế không những là niềm hy vọng, nguồn tài chính kịp thời giúp người bệnh thoát khỏi “bẫy nghèo” do đau ốm mà còn hướng tới mục tiêu tạo ra sự ổn định về an sinh xã hội, một trong những nền tảng cho sự ổn định và phát triển của mỗi địa phương, cũng như quốc gia.
Để đạt được điều đó, bảo hiểm y tế phải bao phủ rộng rãi, Quỹ Bảo hiểm y tế phải được sử dụng thực sự hiệu quả. Giải pháp để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế, thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân cũng phải là giải pháp có tính hệ thống, kịp thời.
Cơ chế, chính sách để thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân cần tiếp tục được hoàn thiện, áp dụng triệt để. Trước tiên là chính sách hỗ trợ để thu hút một số đối tượng tham gia, như hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sống tại các huyện nghèo; hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo và thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều…
Thực tế, nhờ áp dụng tốt những chính sách tích cực, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở Việt Nam đã tăng nhanh trong 5 năm gần đây, từ mức bao phủ 66,8% dân số năm 2012 đã lên mức 89% vào cuối tháng 5-2019.
Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cần không ngừng nâng cao như một minh chứng rõ nét nhất về quyền lợi của người được bảo hiểm y tế.
Công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế bảo đảm chi kịp thời, đúng, đủ, thuận tiện cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế phải được coi trọng. Trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế nên được xem là giải pháp hữu hiệu, bảo đảm nguyên tắc: Quỹ Bảo hiểm y tế được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch…, như Luật Bảo hiểm y tế đã nêu.
Đặc biệt, hành vi trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế, gây mất lòng tin của người dân, tổn hại trực tiếp đến nguồn quỹ, xâm phạm quyền lợi của người đóng bảo hiểm cần phải xử lý nghiêm.
Trong quá trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu đúng về quyền và trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm y tế vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh, song song với các giải pháp nêu trên.
Chỉ khi người dân hiểu đúng về chính sách, sử dụng và thấy rõ tính ưu việt của chính sách bảo hiểm y tế, thì khi đó bảo hiểm y tế mới giữ vững được vai trò trụ cột chính của an sinh xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.