(HNM) - Ngày 5-4, Hạ viện Mỹ đã chính thức đệ đơn kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump lên Tòa án quận Columbia (Washington) với cáo buộc việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia...
Quốc hội Mỹ chỉ chấp thuận chi 1,375 tỷ USD cho việc xây bức tường biên giới với Mexico, bằng 1/6 con số mà Tổng thống Mỹ mong muốn. |
Trong đơn kiện, Hạ viện Mỹ cáo buộc việc huy động các khoản ngân sách liên bang đã được phân bổ cho các lĩnh vực khác để xây dựng bức tường biên giới của Tổng thống D.Trump là vi phạm thẩm quyền Hiến pháp của Quốc hội. Theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, hành động của Tổng thống còn vi phạm cả điều khoản Phân bổ ngân sách khi “đánh cắp” ngân quỹ đã được phân bổ. Đơn kiện cũng nêu rõ, trong lịch sử của xứ Cờ hoa, chưa có tiền lệ Tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động nguồn ngân sách sau khi không giành được sự chấp thuận của Quốc hội.
Trước đó, để thực hiện tham vọng chặn đứng dòng người nhập cư trái phép vào Mỹ, ngày 15-2, Tổng thống D.Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm huy động ngân sách xây bức tường biên giới. Trong đề xuất ngân sách cho năm tài khóa 2019, Tổng thống D.Trump muốn chi 5,7 tỷ USD cho ngân sách xây tường biên giới, nhưng chỉ được Quốc hội thông qua 1,375 tỷ USD. Không nhận được số tiền mong muốn cho dự án như đã cam kết với các cử tri, người đứng đầu chính phủ Mỹ sau đó đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm huy động tới 8,1 tỷ USD (trong đó có 3,6 tỷ từ ngân sách xây dựng của Bộ Quốc phòng).
Để ngăn cản, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật chấm dứt tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, Tổng thống D.Trump cũng đã ứng phó bằng việc lần đầu tiên sử dụng quyền phủ quyết trong nhiệm kỳ của mình. Tới ngày 26-3, Hạ viện Mỹ tiếp tục thất bại trong cuộc bỏ phiếu nhằm đảo ngược quyền phủ quyết, đồng nghĩa với việc ông chủ Nhà Trắng có đủ điều kiện huy động các nguồn quỹ liên bang để xây bức tường biên giới mà không chịu bất cứ sự can thiệp nào của Quốc hội.
“Thừa thắng xông lên”, dự thảo tài khóa năm 2020 của Tổng thống Mỹ đưa ra mức chi phí xây bức tường biên giới lên tới 8,6 tỷ USD (gồm 5 tỷ từ ngân sách của Bộ An ninh nội địa và 3,6 tỷ từ ngân sách xây dựng quân sự của Lầu Năm Góc). Chính động thái này đã dẫn tới những rắc rối mới về pháp lý.
Theo các chuyên gia, khi theo đuổi vụ kiện, đảng Dân chủ Hạ viện phải có đủ nền tảng pháp lý để đơn kiện được chấp thuận. Về nguyên tắc, Hạ viện Mỹ phải chứng minh được hành vi tuyên bố tình trạng khẩn cấp để huy động nguồn vốn ngân sách của Tổng thống D.Trump là sai và có thể gây ra hậu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, Hạ viện Mỹ có thể dựa vào logic từ chính vụ kiện năm 2014 của đảng Cộng hòa chống lại chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama trong việc sử dụng các quỹ liên bang chưa được Quốc hội phê chuẩn để trả tiền cho các công ty bảo hiểm theo Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ObamaCare). Ở vụ kiện này, một thẩm phán liên bang đã phán quyết, đảng Cộng hòa có căn cứ để kiện Nhà Trắng vì những nỗ lực của Chính phủ là xâm phạm quyền lực của Quốc hội.
Dù chưa biết vụ kiện sẽ đến đâu, nhưng điều này tạo ra áp lực rất lớn đối với đương kim Tổng thống Mỹ, khi giờ đây cả Liên minh Tự do dân sự và 20 tiểu bang của Mỹ đều đã đâm đơn kiện Tổng thống về cùng một vấn đề.
Về phần mình, những gì Tổng thống D.Trump đang làm cho thấy ông rất kiên quyết theo đuổi dự án xây bức tường biên giới như đã cam kết với các cử tri. Động thái này có thể đem đến cho ông những lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, nhưng cũng có thể kéo người đứng đầu Nhà Trắng vào vòng xoáy của những rắc rối pháp lý liên quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.