Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vinh dự lớn, trách nhiệm cao

An Trân| 16/12/2012 06:28

(HNM) - Luật Thủ đô là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội phát triển bền vững, toàn diện. HĐND TP xác định sớm đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống hiệu quả là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013

.

Luật Thủ đô ra đời sẽ góp phần xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh và phát triển bền vững. Ảnh: Viết Thành


Trách nhiệm lớn lao

Được tổ chức ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, tại kỳ họp thứ sáu HĐND TP Hà Nội khóa XIV vừa qua, việc cụ thể hóa để luật sớm đi vào cuộc sống là nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Phấn khởi, vui mừng sau ba năm chờ đợi Luật Thủ đô đã được thông qua. Song không ít đại biểu lo lắng, bởi quỹ thời gian từ nay đến ngày 1-7-2013 khi luật chính thức có hiệu lực không còn nhiều. Khắc phục những bất cập trong phân cấp quản lý trước đây, tại Luật Thủ đô, đã có tới 13 nội dung được Quốc hội giao thẩm quyền quyết định cho HĐND TP. Bao gồm nhiều nội dung, lĩnh vực như: xem xét, quyết định quy hoạch chung, quản lý đất đai, quyết định trục đường giao thông đến các quy định về chính sách trọng dụng nhân tài, khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, quy định mức phạt hành chính… Để cụ thể hóa những cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã giao thành những quy định chi tiết là khối lượng công việc không nhỏ.

Hiểu rõ điều này, ngay tại kỳ họp thứ sáu HĐND TP, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã gửi tới các đại biểu thông điệp "việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô thể hiện sự quan tâm của Đảng - Nhà nước với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Đồng thời tin tưởng trao trách nhiệm đối với Hà Nội đưa luật vào cuộc sống một cách có hiệu quả.

Quyết tâm thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tin tưởng, tại Nghị quyết của kỳ họp, việc cụ thể hóa cơ chế chính sách theo quy định của Luật Thủ đô đã được quyết nghị là một trong những nội dung quan trọng của HĐND TP trong năm tới.

Phát huy tốt nhất vị trí, vai trò, tiềm năng của Thủ đô

Bất cập lớn nhất của Hà Nội hiện nay là chưa phát huy tốt vị trí, vai trò, tiềm năng của đầu não chính trị - hành chính, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế, kinh tế và giao dịch quốc tế, nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Chính vì vậy, mục tiêu đầu tiên được HĐND, UBND TP đặt ra khi cụ thể hóa các quy định luật là phải phát huy cho được và tốt nhất vị trí, vai trò, tiềm năng của Thủ đô.

Để phát triển, quản lý giao thông Thủ đô, điều 18 của luật đã phân cấp, giao HĐND TP Hà Nội ban hành quy định ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe... Nhiệm vụ của thành phố là cụ thể hóa các quy định, đưa ra biện pháp tối ưu để trước mắt hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông - một trong những vấn đề bức xúc hiện nay. Trong tương lai, các giải pháp đó cần mang lại sự thông thoáng, thuận tiện, hiện đại cho giao thông Thủ đô. Tương tự, Điều 20 của luật cho phép HĐND TP được quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn mức áp dụng chung cho cả nước nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng. Đồng thời, luật cũng quy định mang tính nguyên tắc về thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức xử phạt đó và giao HĐND TP quy định mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm hành chính. Đưa ra mức phạt thế nào để vừa bảo đảm mức răn đe, vừa góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong các lĩnh vực này đang là bài toán mà HĐND TP cần tính toán, cân nhắc.

Một thuận lợi là nhiều nội dung của Luật Thủ đô trên thực tế đã có tiền đề. Năm 2012, để từng bước cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, HĐND TP Hà Nội đã thông qua 14 nghị quyết quy hoạch ngành quan trọng. Trong đó có quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; quy hoạch giao thông, vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch về phát triển công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, y tế, giáo dục. Đây là cơ sở để các cấp, ngành trên địa bàn Thủ đô tăng cường quản lý theo quy hoạch, thu hút đầu tư, mở ra hướng đi mới nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực. Những nội dung này sẽ được kế thừa và phát huy khi Hà Nội triển khai Luật Thủ đô và trở thành cơ sở pháp lý ở tầm cao hơn, có giá trị lâu dài và ổn định để Hà Nội xây dựng, quản lý, phát triển và bảo vệ Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Là cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thi hành một số điều khoản và chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành Luật Thủ đô, có thể nói, nhiệm vụ của HĐND TP Hà Nội rất quan trọng nhưng cũng vô cùng nặng nề. Tin rằng, với công tác chuẩn bị sớm, công phu của các cơ quan chức năng, trong đó có HĐND TP, Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống khi chính thức có hiệu lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vinh dự lớn, trách nhiệm cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.