(HNMO) - Đây là quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I-2021 vừa qua. Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số cách tiếp cận, giải pháp đột phá, cách làm mới để thực hiện chiến lược chuyển đổi số.
Thứ nhất, về quan điểm chỉ đạo, Việt Nam phải đi đầu về công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), về công nghệ số. Bộ Thông tin và Truyền thông phải tập trung vào thể chế, tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm từng việc một, giải quyết triệt để các việc tồn đọng kéo dài; Thanh tra Bộ sẽ đi đầu trong việc thanh tra trên môi trường online để giảm đi tiếp xúc và gây phiền hà cho doanh nghiệp. Xây dựng chính phủ số, chính quyền số để dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia thuộc về trách nhiệm làm gương của người đứng đầu.
Thứ hai, lĩnh vực công nghệ ICT, công nghệ số, chuyển đổi số thì đi đầu ngay từ đầu, đi cùng nhịp, thậm chí đi trước các nước khác.
Thứ ba, lấy thị trường trong nước để nuôi dưỡng và phát triển công nghệ và doanh nghiệp công nghệ. Thị trường chính là tài sản lớn nhất của quốc gia. Phải giải bài toán Việt Nam trước và đây là cái nôi để đi ra toàn cầu.
Thứ tư, thay đổi thể chế để chấp nhận cái mới, đẩy mạnh ứng dụng cái mới để thu hút công nghệ mới, nhân tài và đầu tư làm thị trường cho phát triển công nghệ mới. Đặc biệt, sẽ hình thành "đặc khu" đổi mới sáng tạo trên không gian mạng. Coi đổi mới thể chế chấp nhận cái mới là tạo ra thị trường và thị trường là thỏi nam châm tốt nhất để doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ.
Thứ năm, dùng nền tảng (platform) là giải pháp để đẩy nhanh chuyển đổi số, giảm chi phí, hạ giá thành. Platform là một loại hạ tầng mới gọi là hạ tầng nền. Trong năm nay, Bộ sẽ công bố chính thức những platform nào là hạ tầng của Việt Nam trong chuyển đổi số và đây chính là những "mỏ dầu" của chúng ta.
Thứ sáu, thị trường mạnh phải đi đôi với Nhà nước mạnh. Thị trường mạnh ở ngắn hạn, còn Nhà nước mạnh ở dài hạn, ở nhìn xa trông rộng, ở vạch ra tầm nhìn và dẫn dắt. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ điều phối ngân sách cho khoa học công nghệ, phải dành nhiều hơn cho các nghiên cứu công nghệ nền tảng, các nghiên cứu mang tính dài hơi.
Thứ bảy, Nhà nước thúc đẩy chuyển đổi số thông qua việc dành ngân sách ít nhất 1% cho chuyển đổi số và mua sắm chính phủ thì ưu tiên cho các sản phẩm công nghệ số.
Thứ tám, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số chủ yếu thông qua các trường đại học số. Bộ sẽ xin thí điểm đại học số trong các trường thông qua các nền tảng trực tuyến để đào tạo nâng cao, đào tạo lại và đào tạo cả đời.
Cũng theo Bộ trưởng, từ năm 2021 trở đi, Bộ sẽ công bố những bài toán lớn ra xã hội nhằm kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp chung tay, góp sức cùng đưa ra lời giải. Một số bài toán để các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành quan tâm tìm ra giải pháp. Đó là:
Xây dựng mạng xã hội thế hệ mới. Từ mô hình tập trung dữ liệu sang phân tán, tiến tới người sử dụng làm chủ dữ liệu của mình thay vì tất cả dữ liệu người dùng thuộc về nhà mạng. Mạng xã hội có quy mô nhỏ hơn, định hướng khách hàng hơn, thậm chí có thu phí; nền tảng giải quyết một nhu cầu xã hội rồi sau đó thành mạng xã hội; mạng xã hội âm thanh, giao tiếp bằng giọng nói; mạng xã hội bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng; mạng xã hội doanh nghiệp phục vụ truyền thông nội bộ; công khai thuật toán... Mạng xã hội là hạ tầng xã hội nên phải sạch, có trách nhiệm với người dùng và với xã hội... Đây là những tính năng, đặc điểm mới của mạng xã hội thay thế cho thế hệ thứ nhất. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng xã hội thế hệ mới.
Xây dựng công cụ tìm kiếm thế hệ mới, hướng đến hỏi một câu sẽ có một câu trả lời đáng tin cậy, thay vì hỏi một câu lại có đến hàng triệu câu trả lời mà không biết độ tin cậy. Chẳng hạn, có hiện tượng ai trả phí quảng cáo cao thì câu trả lời hiện lên trước, vậy là tri thức đã bị tha hóa bởi đồng tiền... Đồng thời hướng đến giao tiếp với công cụ tìm kiếm qua giọng nói sẽ thân thiện, gần gũi hơn đối với người dùng.
Hướng đến xây dựng bảo tàng cá nhân trên môi trường số và tiến tới phiên bản con người số bất tử có thể tương tác với người sống.
Danh sách các nền tảng chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố trong quý II-2021.
Khẳng định Thông tin và Truyền thông sẽ là ngành tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia, dùng công nghệ để giải các bài toán của đất nước nhằm hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, toàn ngành sẽ phát triển trên đôi cánh của sức mạnh tinh thần và công nghệ. Trong đó, báo chí truyền thông tạo nên khát vọng tinh thần và phần còn lại là do công nghệ, mà chủ yếu là công nghệ số. Từ đôi cánh ấy sẽ góp phần đưa Việt Nam bay lên, đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 khi đất nước tròn 100 năm thành lập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.