Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam lọt top 20 nền giáo dục tốt nhất trên thế giới

Theo Xuân Vũ/Dân trí| 13/01/2017 11:19

Theo kết quả Chương trình đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA), Việt Nam xếp hạng thứ 19 trong danh sách 20 quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới.



Bảng xếp hạng PISA do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện ba năm một lần. Kết quả mới công bố này là chương trình đánh giá năm 2015 trên bài thi của hơn nửa triệu thí sinh đại diện cho 28 triệu học sinh 15 tuổi ở 72 quốc gia và nền kinh tế.

Lần đầu tiên tham gia xếp hạng PISA năm 2012, Việt Nam đã đạt điểm toán, khoa học và kỹ năng đọc cao hơn vương quốc Anh và Mỹ. Tờ Independent nhận định, có được kết quả này là nhờ một phần ở mức đầu tư cao về giáo dục cũng như văn hóa học tập chăm chỉ của học sinh từ khi còn nhỏ.

Dưới đây là danh sách 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền giáo dục tốt nhất thế giới theo xếp hạng PISA 2015:

1. Singapore

Singapore là đất nước đứng đầu trong cả ba hạng môn (toán, khoa học và đọc) của bảng xếp hạng PISA 2015. Đất nước nhỏ bé ở châu Á này nổi tiếng về tiêu chuẩn học thuật cao và tạo ra những kết quả xuất sắc, đặc biệt là toán. Singapore chọn giáo viên từ 5% số cử nhân giỏi nhất, và giáo viên được coi là những tác nhân thay đổi xã hội.

2. Nhật Bản

Nhật Bản xếp thứ 2 về khoa học, thứ 5 về toán và thứ 8 về kỹ năng đọc. Nhật Bản có dân số thuộc mức giáo dục cao nhất, tỷ lệ mù chữ ở mức 0% và đặc biệt nhấn mạnh về số học và địa lý. Trong khi trẻ em trên thế giới chỉ học từ 26 đến 33 chữ cái trong bảng chữ cái, học sinh Nhật sẽ học được 1.006 chữ kanji cho đến khi học xong tiểu học.

3. Estonia

Được coi là “Phần Lan mới”, Estonia nhanh chóng tăng hạng trên bảng xếp hạng Pisa mặc dù là một trong những quốc gia trẻ nhất trên thế giới. Estonia dành khoảng 4% GDP cho giáo dục.

4. Đài Loan

Đài Loan được biết đến là trung tâm xuất sắc về kỹ thuật trong hàng thập kỷ nay và học sinh ở đây học rất tốt về kỹ thuật, toán và khoa học. Giáo dục bắt buộc từ 6 tuổi, và khoảng 95% học sinh tiếp tục học sau 15 tuổi.

5. Phần Lan

Trẻ em ở Phần Lan không đi học khi dưới 7 tuổi, nhưng nước này vẫn có kết quả xếp hạng thuộc hàng đầu trên thế giới. Hệ thống giáo dục của Phần Lan nhấn mạnh vào thời gian chơi và học sáng tạo. Trẻ em không phải ngồi làm bài thi cho đến khi 16 tuổi.

6. Macau

Hầu hết trường học ở Macau là trường tư hoặc được trợ cấp. Chỉ có một số là trường của chính phủ hoặc nhà nước. Hầu hết các trường là trường chuyên tập trung vào học các môn ngoại ngữ, toán và khoa học hơn là các môn hướng nghiệp.

7. Hong Kong

Vốn là thuộc địa của Anh, Hong Kong có nền giáo dục khá giống với hệ thống giáo dục Anh trước đây. Giáo dục Hong Kong miễn phí và bắt buộc ở cấp tiểu học và cấp hai.

8. Hàn Quốc

Lâu nay Hàn Quốc vẫn có thành tích học tập hàng đầu trên thế giới, nhưng kết quả này là cái giá của việc học sinh nước này phải học nhiều tiếng đồng hồ ở trường. Nhiều trường bắt đầu vào học lúc 8 giờ sáng, và kéo dài đến tận khuya tại các trung tâm học tư.

9. New Zealand

Dù chương trình học ở New Zealand không giống với vương quốc Anh, trẻ em nước này không bắt buộc phải đến trường cho đến khi 6 tuổi.

10. Trung Quốc

Học sinh Trung Quốc dành 57 tiếng đồng hồ mỗi tuần để học ở trường hoặc ở nhà, so sánh với lượng thời gian 36 tiếng đồng hồ của học sinh Phần Lan.

11. Slovenia

Slovenia có kết quả cao về toán và khoa học. Ở nước này, giáo dục cho trẻ từ 6-15 là bắt buộc. Công dân quốc tế được dạy tiếng Slovenia khi bắt đầu đi học.

12. Australia

Australia xếp thứ 14 về khoa học, thứ 15 về đọc và thứ 23 về toán, kết quả này giảm so với xếp hạng những năm trước. Australia có số lượng học sinh quốc tế nhiều nhất trên thế giới sau vương quốc Anh và Mỹ, mặc dù nước này có dân số thấp hơn nhiều.

13. Vương quốc Anh

Trong bảng xếp hạng Pisa 2015, vương quốc Anh tăng lên vị trí thứ 15 về khoa học so với vị trí 21 năm 2012. Theo báo cáo của OECD, giáo viên ở Anh thuộc mức trẻ nhất trong số các nước phát triển. Tổng đầu tư của giáo dục Anh vượt mức hầu hết các nước tham gia xếp hạng, và các nhà phê bình cho rằng hệ thống giáo dục của Anh phải có kết quả tốt hơn nhiều với mức đầu tư này.

14. Đức

Trường học ở Đức được quản lý bởi từng bang khác nhau, mỗi bang có sở giáo dục và chính sách riêng. Thông thường, trẻ em Đức bắt đầu đi học tiểu học lúc 6 tuổi nhưng khi lên cấp hai thì có rất nhiều lựa chọn. Đức tăng đầu tư cho giáo dục từ tiểu học đến sau cấp hai, và giáo viên có mức lương rất cạnh tranh so với các nước khác.

15. Hà Lan

Trẻ em Hà Lan được coi là hạnh phúc nhất thế giới theo nghiên cứu năm 2013 của Unicef. Trường học thông thường không cho nhiều bài tập về nhà cho đến khi lên cấp hai, và học sinh cũng có rất ít áp lực và căng thẳng.

16. Thụy Sỹ

Chỉ 5% trẻ em Thụy Sỹ đi học trường tư. Các bài học được dạy bằng những ngôn ngữ khác nhau dựa vào các vùng của Thụy Sỹ, trong đó tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Ý là ngôn ngữ giảng dạy phổ biến nhất. Từ cấp hai trở đi, học sinh được phân chia theo khả năng.

17. Ireland

Hầu hết trường cấp hai ở Ireland là trường do tư nhân sở hữu và quản lý nhưng được nhà nước tài trợ, ngoài ra cũng có trường nghề. Đất nước này có kết quả rất tốt về kỹ năng đọc - xếp thứ 5 toàn cầu.

18. Bỉ

Bỉ xếp hạng 15 về khoa học. Các trường học nước này đều miễn học phí.

19. Việt Nam

Giáo dục ở Việt Nam là hệ thống do nhà nước quản lý ở cả trường công và trường tư. Việt Nam tham gia xếp hạng PISA lần đầu tiên năm 2012 và đạt điểm kỹ năng đọc, toán và khoa học cao hơn vương quốc Anh và Mỹ. Có được kết quả này là nhờ một phần ở mức đầu tư cao về giáo dục cũng như văn hóa học tập chăm chỉ của học sinh từ khi còn nhỏ.

20. Canada

Giáo dục là bắt buộc cho đến 16 tuổi ở hầu hết các tỉnh của Canada trừ Manitoba, Ontario và New Brunswick nơi học sinh phải học đến năm 18 hoặc khi có bằng tú tài. Hệ thống giáo dục khác nhau giữa các tỉnh nói tiếng Pháp và nói tiếng Anh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam lọt top 20 nền giáo dục tốt nhất trên thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.