Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững

Hồng Sơn| 29/09/2020 11:23

(HNMO) - Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam năm 2020 (VRDF 2020) với chủ đề: “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch Covid-19” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng nay, 29-9, tại Hà Nội.

Quang cảnh diễn đàn.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã làm rõ ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tham vấn chính sách và hành động của Việt Nam để khắc phục khó khăn, nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm, bền vững.

Các đại biểu cũng tham luận về nội dung liên quan đến thực trạng doanh nghiệp, thách thức và cơ hội trong hoàn cảnh mới. Các ý kiến sẽ phục vụ mục tiêu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, theo hướng bền vững trong bối cảnh phải tiếp tục đối phó với các yếu tố bất lợi, thách thức, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu, thiên tai...

Đến nay, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, song dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, công nhân mất việc làm, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Thiệt hại kinh tế của Việt Nam còn có nguyên nhân do sự suy giảm của thương mại toàn cầu khi Việt Nam là nền kinh tế mở và tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Trong bối cảnh thực hiện "mục tiêu kép" vừa khống chế có hiệu quả dịch Covid-19, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế, từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại 12 tỷ USD, GDP vẫn đạt mức tăng trưởng dương và thu hút được hơn 21 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Tuy nhiên, nền kinh tế đang đứng trước những bất lợi và nguy cơ tiềm ẩn như căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, cùng với đó là những hạn chế nội tại của nền kinh tế khiến tốc độ tăng trưởng giảm, vẫn bị phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ…

Tại diễn đàn, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhận định, đây là dịp để đánh giá những bước tiến của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới thay đổi, Việt Nam cũng đang thay đổi. Việt Nam đã đạt những kết quả ấn tượng, nhưng còn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có ảnh hưởng và tác động tiêu cực của biến khí hậu hậu, điều kiện thời tiết bất thường, thiên tai...

Theo Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, trên cơ sở những thành công đã đạt được trong quá trình khống chế dịch Covid-19, Việt Nam cần tận dụng cơ hội, thu hút nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tranh thủ tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ; dành sự quan tâm thỏa đáng tới y tế, giáo dục và bảo đảm an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.