(HNMO) - Đó là chủ đề cuộc họp báo quốc tế do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 9/7 tại Hà Nội.
Tại buổi họp báo |
Chủ trì buổi họp báo là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Hồ Anh Tuấn; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, ông Nguyễn Mạnh Cường và ông Lê Hải Bình-người phát ngôn của Bộ Ngoại giao.
Tại cuộc họp, ông Hồ Anh Tuấn-Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, chiến dịch quảng bá “Việt Nam-Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn Exciting Viet Nam” nhằm thu hút khách du lịch, có 14 nội dung do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối với các các ban, bộ, ngành, các địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Saigon tourist và các doanh nghiệp du lịch được tập trung triển khai trong 6 tháng cuối năm 2014.
Các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường tập trung trọng tâm hơn, bao gồm: tổ chức khảo sát thực tế cho báo chí quốc tế và trong nước đến các địa phương trọng điểm du lịch để phóng viên chứng kiến và phản ánh thông tin khách quan, góp phần giới thiệu về điểm đến du lịch Việt Nam; tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành từ các thị trường trọng điểm và tiềm năng của du lịch Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Mỹ...; liên kết, hợp tác với các nước trong khu vực tăng cường trao đổi khách và cùng khai thác khách từ thị trường thứ ba..
Điều đáng mừng là, ông Hồ Anh Tuấn cho hay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian gần đây, du lịch Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng ổn định về lượng khách và tổng thu từ khách du lịch. Năm 2013, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,57 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 32,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 200.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4,28 triệu lượng, tăng 21%; khách du lịch nội địa đạt 23,4 triệu lượt, tăng 7%; tổng thu từ khách du lịch đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, du lịch Việt Nam tăng trưởng khá bền vững khi mà tổng doanh thu từ khách du lịch tăng cao hơn số lượng khách.
Được biết, thời gian qua, uy tín, thương hiệu du lịch Việt Nam được quốc tế ghi nhận ngày càng rõ nét qua kết quả bình chọn của các tổ chức truyền thông quốc tế về du lịch năm 2014. Trong đó Hà Nội được bình chọn là 1 trong 10 thành phố thu hút khách du lịch hàng đầu trên thế giới; vịnh Hạ Long xếp thứ 4 trong 7 điểm đến có cảnh sắc non nước tuyệt đẹp trên thế giới; phố cổ Hội An là 1 trong 20 địa điểm thú vị trên thế giới thích hợp cho việc trải nghiệm cuộc sống về đêm; Nha Trang là một trong những điểm đến đáng để du khách phải lựa chọn vào mùa hè…
Tại cuộc họp báo, các vấn đề: căng thẳng biển Đông ảnh hưởng như thế nào đến thu hút khách du lịch, việc chi tiêu của du khách Trung Quốc tại Việt Nam; những địa danh được đẩy mạnh quảng bá trong chiến dịch này; biện pháp khắc phục tình trạng cướp giật khách du lịch; định hướng phát triển du lịch biển đảo; biện pháp khắc phục tình trạng lừa đảo, cướp giật khách du lịch…là những vấn đề được các nhà báo trong nước và quốc tế quan tâm.
Trả lời các thắc mắc trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, tháng 5 và tháng 6/2014, khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm so với các tháng đầu năm nhưng tính chung 6 tháng đầu năm 2014 khách Trung Quốc đến Việt Nam vẫn tăng hơn 30%. Về chi tiêu của khách Trung Quốc tại Việt Nam, nếu đi bằng đường bộ với hành trình 5 ngày 4 đêm thì khách Trung Quốc tiêu trung bình chỉ khoảng 300 USD/khách, còn đi bằng đường hàng không là 700 USD/khách. So với khách du lịch từ Đông Âu, Bắc Mỹ, chi tiêu của khách Trung Quốc là thấp hơn. Hiện ngành du lịch tiếp tục tuyên truyền, kể cả ở các nước nói tiếng Hoa rằng Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn, tất cả các thông tin, trong đó có thông tin như Việt Nam không đón khách nói tiếng Trung Quốc như thời gian vừa qua đều hoàn toàn không đúng.
Việt Nam có nhiều vịnh đẹp |
Những địa điểm chính mà các nhà báo sẽ đi thực tế trong đợt quảng bá lần này là Hà Nội, Hạ Long, Nha Trang, TP HCM, Tiền Giang… Đây là những nơi gắn liền với biển đảo, và có sự tham gia chủ động của cộng đồng người dân địa phương.
Để khắc phục tình trạng lừa đảo, cướp giật khách du lịch, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương để khắc phục tình trạng này, chẳng hạn 1 lái xe taxi vừa qua đã bị xử tù 8 tháng vì tội lừa đảo khách. Đồng thời, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra và thiết lập trung tâm hỗ trợ du khách, thiết lập đường dây nóng để xử lý kịp thời các trường hợp xảy ra.
Về định hướng phát triển du lịch biển đảo, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, ngành du lịch Việt Nam đang tăng cường phát huy lợi thế đường biển của Việt Nam. Gần đây là tập trung vào điểm đến là Phú Quốc. Thời gian tới, ngành nghiên cứu mở rộng ra đảo xa hơn như đảo Lý Sơn và các đảo khác để đưa du khách đến.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Hồ Anh Tuấn bổ sung, với du lịch tàu biển, ngành du lịch rất quan tâm, chỉ đạo xây dựng đề án phát triển du lịch tàu biển và đã mời hãng tàu biển lớn trên thế giới đến khảo sát. Theo kết quả khảo sát, cảng Chân Mây của Thừa Thiên Huế được đánh giá khá cao. Dự kiến, thời gian tới sẽ cảng này sẽ trở thành cảng đón các tàu du lịch lớn trên thế giới với số lượng 5.000-6.000 khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.