Kinh tế

Việt Nam chủ động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Hồng Sơn 25/08/2023 - 21:06

Ngày 25-8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) công bố báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) và đối thoại chính sách hướng tới Hội nghị thượng đỉnh SDG 2023: Cam kết và hành động quốc gia.

sdg.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Phát triển bền vững (SDG) với 17 mục tiêu cụ thể được lồng ghép trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chính sách ngành, lĩnh vực ở cả cấp quốc gia và địa phương.

Các mục tiêu gồm: Chấm dứt mọi hình thức nghèo; xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm giáo dục có chất lượng; bình đẳng về giới, tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái; tiếp cận nguồn năng lượng bền vững; giảm bất bình đẳng trong xã hội; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu…

Theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện toàn diện SDG. Tinh thần xuyên suốt, cốt lõi là nỗ lực bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Cùng với đó, Việt Nam xác định các lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên, có tính lan tỏa trong thực hiện SDG; định hướng cho việc tập trung nguồn lực và huy động sự tham gia của các bên liên quan và hy vọng các cuộc đối thoại chính sách chính là điểm khởi đầu quan trọng để các bên cùng chung tay nhằm hoàn thành SDG vào năm 2030.

Kể từ lần rà soát đầu tiên vào năm 2018, đến nay, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ vượt bậc. Trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,2% xuống 4,3%; nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh lên hơn 98%; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và công nghiệp hóa, bảo đảm nhu cầu học tập, đạt tiến bộ về giải quyết việc làm, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, hỗ trợ các nhóm yếu thế…

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, khủng hoảng liên tiếp trong 3 năm qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ thực hiện SDG. Báo cáo đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết, chỉ có 12% mục tiêu cụ thể có thể đánh giá đang đúng tiến độ. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh tiến độ và duy trì những bước đột phá để đạt được tất cả mục tiêu SDG vào năm 2030.

Theo đánh giá chung, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể ở nhiều mục tiêu khác nhau, tuy vậy vẫn cần tăng cường đầu tư nguồn lực, công sức để đưa tất cả SDG diễn ra đúng tiến độ và hướng tới đạt được tất cả mục tiêu cụ thể vào năm 2030.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Việt Nam nên đẩy nhanh tốc độ giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số; tăng cường dịch vụ y tế cơ bản cho người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, đồng bào dân tộc; bảo đảm nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện; tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm; duy trì tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy việc làm bền vững; tập trung xử lý ô nhiễm môi trường…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại; bảo vệ môi trường, giảm nghèo. Bên cạnh đó, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách hành chính công; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam chủ động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.