Sau hơn một năm Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đi vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18-7-2023 về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Với nhiều nội dung quan trọng, các nghị quyết là kim chỉ nam để kinh tế tập thể với nòng cốt là các hợp tác xã phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như cả nước.
Thành phần kinh tế quan trọng
Nghị quyết số 20-NQ/TƯ chỉ rõ, kinh tế tập thể tiếp tục là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Tinh thần của nghị quyết là chú trọng đến việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Đó là chính sách phát triển nguồn nhân lực, đưa nội dung đào tạo về kinh tế tập thể vào chương trình của một số trường đại học, giảng dạy chính thức trong chương trình đào tạo lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê. Chính sách tín dụng cho các tổ chức kinh tế tập thể, nâng cao và phát huy vai trò của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong việc hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Ngày 2-2-2023, Chính phủ đã có Nghị quyết số 09/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ. Ngày 18-7-2023, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Theo Nghị quyết số 106/NQ-CP, đến năm 2025, số lượng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp; doanh thu bình quân/hợp tác xã nông nghiệp đạt từ 5 tỷ đồng/năm trở lên… Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có hơn 3.000 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Hà Nội đưa nghị quyết vào cuộc sống
Ngày 2-2-2023, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. UBND thành phố Hà Nội cũng đã có Quyết định số 4010/QĐ-UBND ngày 25-10-2022 về việc ban hành Kế hoạch củng cố, kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Ngày 24-7-2023, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có Văn bản số 2288/UBND-KTN về việc thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; giao các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tổ chức triển khai thực hiện theo thẩm quyền.
Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền cho biết, là địa phương có kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, Huyện ủy xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển kinh tế tập thể. Nhờ đó, số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp trên địa bàn theo hướng công nghệ cao.
Còn Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính thông tin, toàn huyện hiện có gần 100 hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Nhờ thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TƯ, hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn có cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản, thiết thực; liên kết giữa các hợp tác xã với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển. Khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, các đơn vị, địa phương của Hà Nội đều đã có kế hoạch, các chương trình hành động cụ thể, phù hợp để thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ. Nhờ đó, nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm là hợp tác xã và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Đến nay, các hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật; số hợp tác xã kinh doanh khá, giỏi đã đạt gần 70% số hợp tác xã trên địa bàn. Từ nay đến năm 2025, Liên minh Hợp tác xã thành phố lựa chọn 24 mô hình hợp tác xã kiểu mới để hoàn thiện và nhân rộng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.