Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung sức giảm nghèo

Hiền Phương| 23/03/2023 06:15

(HNM) - Kết quả công tác giảm nghèo của thành phố Hà Nội có sự đóng góp tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố. Bằng cách huy động nhiều nguồn lực tham gia, Mặt trận đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong giảm nghèo, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế.

Đại diện các đoàn thể của xã Cao Thành (huyện Ứng Hòa) hỗ trợ bà Chu Thị Chinh kinh phí xây nhà đại đoàn kết.

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Nắm bắt được nguyện vọng của bà Chu Thị Chinh, hộ nghèo ở địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Cao Thành đã đề xuất Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ứng Hòa và thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết. Sau một tháng thi công, ngôi nhà 35m2 với kinh phí 80 triệu đồng đã được bàn giao. Bà Chinh xúc động nói: “Tuổi cao, sức yếu, thu nhập không ổn định, nhờ ơn Mặt trận các cấp và địa phương đã hỗ trợ mà gia đình có được ngôi nhà ấm cúng”.

Còn tại quận Hà Đông, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tặng sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện, thẻ bảo hiểm y tế cho 170 người thuộc hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Là người được tặng thẻ bảo hiểm y tế, ông Nguyễn Văn Nam, ở phường Biên Giang chia sẻ: “Chương trình này rất thiết thực, giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng kinh tế khi chẳng may bị đau ốm và có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hướng đến tuổi già có lương hưu”.

Giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống, huyện Thanh Oai đã tặng bò cho các hộ. Bà Dương Thị Thơ, ở thôn Văn Quán, xã Đỗ Động cho biết: “Gia đình tôi được tặng một con bò trị giá 20 triệu đồng. Chúng tôi sẽ chăn nuôi thật tốt để thoát nghèo”.

Hướng về người nghèo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố luôn xác định, phải đổi mới cách thức vận động để tranh thủ tối đa các nguồn lực ủng hộ công tác giảm nghèo. Ngoài ủng hộ bằng tiền mặt, Mặt trận còn vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ người nghèo bằng hiện vật; xóa nhà dột nát, làm nhà tình nghĩa; đầu tư công trình phục vụ sinh hoạt (nước sạch, nhà vệ sinh...); trao tặng con giống vật nuôi, cây trồng; hỗ trợ sinh kế cho người dân. Các tổ chức, cá nhân còn nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ đồ dùng, phương tiện học tập cho trẻ em nghèo; khám chữa bệnh cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... Mặt trận còn giới thiệu địa chỉ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trực tiếp đến hỗ trợ.

Đặc biệt, trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022 (từ ngày 17-10 đến 18-11-2022), với cách thức triển khai bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ của UBND các cấp, tính đến ngày 23-11-2022, Quỹ “Vì người nghèo” ba cấp đã tiếp nhận hơn 66 tỷ đồng. “Kết quả tích cực này không chỉ góp phần về vật chất mà còn mang lại niềm vui cho nhiều hộ nghèo, đem lại niềm vui và niềm tin cho các tầng lớp nhân dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố”, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương khẳng định.

Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Ngoài kêu gọi các tổ chức, cá nhân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã hướng dẫn các Ban Công tác mặt trận khu dân cư tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay giảm nghèo. Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều cách làm hay. Chẳng hạn như thị xã Sơn Tây phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huy động các tổ chức, cá nhân gửi tiền tiết kiệm vì người nghèo; quận Long Biên, quận Ba Đình hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho hộ cận nghèo...  

Bên cạnh đó, Mặt trận thành phố vận động các tổ chức tôn giáo hỗ trợ xây dựng 34 nhà đại đoàn kết và tặng các trang thiết bị, vật dụng thiết yếu cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 3,289 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2022, Quỹ “Vì người nghèo” thành phố trích trên 13 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 222 nhà đại đoàn kết. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cũng phối hợp với các ban, ngành liên quan tìm giải pháp hỗ trợ thoát nghèo, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần giảm được 1.582 hộ nghèo trong năm 2022... Với cách làm bài bản đó, nhiều người nghèo đã vươn lên trong cuộc sống; nhiều học sinh khó khăn được tiếp tục đến trường...

Tuy nhiên, qua khảo sát, thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn cần được giúp đỡ. “Để cùng với cấp ủy, chính quyền, các ngành hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hướng dẫn Mặt trận các cấp phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch giảm nghèo”, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết.

Thực hiện tinh thần này, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hai Bà Trưng Nguyễn Xuân Diệp cho biết: “Năm 2023, Quỹ “Vì người nghèo” hai cấp của quận phấn đấu vận động được 2 tỷ đồng. Mặt trận các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể thường xuyên rà soát và đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phương tiện sản xuất, kinh doanh cho hộ có hoàn cảnh khó khăn”. Để giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện Quốc Oai, “Mặt trận sẽ tập trung rà soát, phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp, hình thức hỗ trợ hộ nghèo một cách cụ thể”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quốc Oai Nguyễn Tiến Quý chia sẻ.

Thời gian tới, hướng đi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố là sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức để huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, động viên, khích lệ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn phát huy nội lực, chủ động vươn lên thoát nghèo; tiếp tục vận động xã hội hóa nguồn lực trợ giúp người nghèo thoát nghèo một cách bền vững. Mục tiêu là “không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung sức giảm nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.